Cơn tê bì tay chân lan đến cổ, thắt lưng khiến người đàn ông đau đớn

7 năm trước, hai tay người đàn ông tê bì, khó cầm nắm. Bệnh nhân đi khám và uống thuốc nhiều năm nhưng tình trạng không cải thiện. Cơn đau ngày càng nhiều, lan đến cổ, thắt lưng khiến người bệnh sinh hoạt khó khăn.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Đơn vị hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A (TP HCM), cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa điều trị cho bệnh nhân N.Q.M (48 tuổi, ngụ TP HCM) bị mất cân bằng cơ thân trên, thân dưới và chi dưới gây ra cơn đau toàn thân.

Cơn tê bì tay chân lan đến cổ, thắt lưng khiến người đàn ông đau đớn - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân qua các động tác, tư thế cơ xương khớp. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Anh M. cho biết cách đây 7 năm, anh có biểu hiện đau vùng cổ, cơn đau lan xuống 2 tay dẫn đến tê bì, khó cầm nắm khi vận động; đau nhiều vùng thắt lưng. Anh đã đi khám bác sĩ, uống thuốc tây và vật lý trị liệu nhiều nơi nhưng không bớt đau.

Đến năm 2022, anh tiếp tục đi khám tại bệnh viện khác trên địa bàn TP và được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng, trượt L3/L4 ra trước độ 1. Tuy nhiên, khi đó bệnh viện chỉ điều trị bằng toa thuốc giãn cơ, giảm đau và kháng viêm.

Mới đây, cơn đau tê bì vùng tay, chân lan đến cổ, vùng thắt lưng đau tăng dần lan xuống mông dẫn đến sinh hoạt khó khăn. Vì quá bất tiện trong sinh hoạt nên người bệnh đến điều trị bằng phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp.

Tại Bệnh viện 1A, sau khi thăm khám và thực hiện các kết quả hình ảnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị mất cân bằng cơ thân trên, thân dưới và chi dưới. Cụ thể, vai tròn xệ, lưng gù, đầu nhô trước, thắt lưng quá ưỡn và khung chậu xoay trước, mất đường cong sinh lý cột sống.. Tất cả điều này làm gia tăng áp lực và thay đổi trọng tâm lên vùng cột sống cổ và thắt lưng gây căng mỏi cơ, thoát vị đĩa đệm, chèn ép thần kinh gây đau lan dọc các chi tê bì.

Bệnh nhân đã được thực hiện tái tạo sự cân bằng cơ vùng thân trên, thân dưới, chi dưới, xoay khung chậu tái lập đường cong sinh lý cột sống thắt lưng. Anh M. cho biết sau quá trình điều trị, hiện tình trạng của anh cải thiện 95%, đã hết cơn đau lưng, tê bì tay chân và có thể sinh hoạt bình thường.

7 bệnh lý thường gặp gây tê bì tay chân

Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết nguyên nhân chính của triệu chứng tê bì là do các dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép theo nhiều cơ chế khác nhau. Trong đó, gây ra 7 bệnh lý thường gặp. Cụ thể:

Thứ nhất: Mất cân bằng cơ xương khớp. Triệu chứng gần giống như các thoát vị đĩa đệm tại cổ và thắt lưng.

Thứ 2: Thoát vị đĩa đệm, theo các nghiên cứu có đến 80% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có triệu chứng tê bì chân tay.

Thứ 3: Hẹp ống sống, trật đốt sống, viêm khớp hay thoái hóa cột sống. Đối với hẹp đốt sống đây là dạng bệnh bẩm sinh.

Thứ 4: Đau dây thần kinh tọa. Đây là hậu quả của 3 nhóm bệnh lý thoát vị đĩa đệm, một số bệnh lý cột sống (như hẹp ống sống, trật đốt sống,..), mất cân bằng cơ xương khớp gây lệch vẹo, căng cơ chèn ép vào dây thần kinh tọa khiến cho bệnh nhân có thể bị tê, đau từ thắt lưng xuống mông, đùi và cả bắp chân.

Thứ 5: Viêm đa dây thần kinh - Suy nhược cơ thể. Bệnh hay gặp ở những bệnh nhân suy nhược cơ thể.

Thứ 6: Bệnh lý mạch máu ngoại vi là các mảng xơ vữa lắng đọng trong lòng động mạch gây hẹp dòng chảy khiến động mạch bị tắc.

Thứ 7: Chèn ép thứ phát thường gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt khi thai nhi lớn làm tử cung to chèn ép các mạch máu vùng chậu gây giảm tưới máu vùng chi dưới, nhất là khi ngồi, đứng hay nằm ngửa lâu. Có thể thuyên giảm triệu chứng bằng cách thay đổi các tư thế. Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện khi các mạch máu và thần kinh bị chèn ép thứ phát bởi u bướu hay vật nặng tỳ đè lên các chi...

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/con-te-bi-tay-chan-lan-den-co-that-lung-khien-nguoi-dan-ong-dau-don-a29873.html