Biến thể Omicron có "tàng hình" với test nhanh Covid-19?

Theo thống kê, biến thể Omicron 'tàng hình' đang chiếm ưu thế trong số các ca được giải trình tự gen tại Hà Nội và TP.HCM.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội giải trình tự gene virus 109 mẫu bệnh phẩm, ghi nhận 80% nhiễm biến thể Omicron; trong đó biến thể phụ BA.2 - hay còn gọi là biến thể Omicon 'tàng hình' - chiếm ưu thế.

Theo PGS Ngô Quý Châu – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, dòng phụ của biến thể Omicron được gọi là 'tàng hình' nhưng không phải là 'tàng hình' với test nhanh Covid-19. Hiện tại test nhanh vẫn có giá trị đối với việc xét nghiệm Covid-19 dù là biến thể Omicron hay Delta.

Theo một nghiên cứu của Umass Chan (sử dụng dữ liệu từ hơn 5.000 bệnh nhân tiến hành cả xét nghiệm kháng nguyên tại nhà và PCR), 82% số người nhiễm Delta và 92% số người nhiễm Omicron có kết quả dương tính với xét nghiệm kháng nguyên tại nhà khi test PCR cũng cho kết quả dương tính.

Biến thể Omicron có tàng hình với test nhanh Covid-19? - Ảnh 1.

Ảnh xét nghiệm nhanh âm tính.

Đối với trường hợp test nhanh nhiều lần âm tính dù có triệu chứng, PGS Châu cho rằng có 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, độ nhạy của phương pháp xét nghiệm test nhanh kém hơn so với PCR vì vậy, nồng độ virus trong cơ thể phải cao thì mới phát hiện dương tính. Nếu lấy mẫu ở giai đoạn ủ bệnh khi bạn vừa tiếp xúc với nguồn lây, có thể bạn đã nhiễm virus nhưng tải lượng virus trong cơ thể còn thấp. Lúc đó, test nhanh có thể cho kết quả âm tính bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để kit test có thể phát hiện.

Thứ hai, khi tự test, bạn có thể thực hiện sai thao tác, kỹ thuật lấy mẫu và quy trình. Nhiều trường hợp lấy mẫu không đúng vị trí như hướng dẫn, sợ đau hoặc người lấy mẫu không có kinh nghiệm. 

Thứ ba, chất lượng kit test cũng ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Hiện nay, có nhiều loại kit test khác nhau, độ nhạy của mỗi loại khác nhau, đó là chưa kể hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện dẫn tới kết quả xét nghiệm sai.

Test nhanh tại nhà vẫn là công cụ hữu ích để xác định ca nhiễm trong bối cảnh quá tải xét nghiệm PCR và thời gian chờ đợi kết quả lâu.

Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bản chất của test nhanh tìm kháng nguyên ở vỏ nhân virus, không phải kháng nguyên bề mặt của virus.

Các biến thể mới xuất hiện hiện nay chỉ có sự thay đổi ở protein S ở bề mặt của virus còn vỏ nhân virus không thay đổi nên test nhanh vẫn còn giá trị với biến thể Omicron hay Omicron 'tàng hình'.

Người dân test nhanh tại nhà có kết quả sai lệch nhiều khả năng là do kỹ thuật lấy mẫu chưa chính xác. BS Thái cho biết lấy mẫu đúng kỹ thuật thì bạn sẽ cảm nhận được "chảy nước mắt, nước mũi" chứ không phải là lấy ở ngay ngoài mũi. 

Về tình trạng lâm sàng, khảo sát cho thấy Omicron lây lan nhanh nhưng tỉ lệ nhập viện và số ca diễn biến nặng chỉ bằng 1/10 so với trước.

So về triệu chứng thì số ca có triệu chứng ở Omicron lại cao hơn các chủng trước, lên tới 50-60%, nhưng các triệu chứng chủ yếu là ho, sốt, rát họng, có thể điều trị ở nhà được. Trong khi với Delta, số có triệu chứng chỉ khoảng 20% nhưng nhiều triệu chứng nặng, tỉ lệ nhập viện và chuyển nặng cao.


https://soha.vn/bien-the-omicron-co-tang-hinh-voi-test-nhanh-covid-19-20220311160144806.htm

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bien-the-omicron-co-tang-hinh-voi-test-nhanh-covid-19-a299.html