Ngỡ đau đầu do 'đèn đỏ', nữ giáo viên trẻ bị đột quỵ nguy kịch

Nữ giáo viên 26 tuổi đã bị chứng vỡ túi phình động mạch não, dẫn đến chảy máu não nghiêm trọng.

Bác sĩ nói rằng, thật may mắn vì cô được đưa đi cấp cứu nhanh chóng bởi, nếu đợi lâu hơn nữa, nữ giáo viên này sẽ không thể hồi phục.

Chóng mặt trước khi bất tỉnh

Khi Christina Saldivar đi vệ sinh vào một buổi sáng thứ Hai, cô bị cơn đau đầu tồi tệ nhất trong đời tấn công.

Saldivar, khi đó 26 tuổi, đang nghỉ giải lao giữa các lớp học tại Trường tiểu học Virginia (Mỹ) - nơi cô là giáo viên dạy nhạc.

Thời điểm đó, nữ giáo viên chỉ nghĩ rằng, tình trạng chóng mặt xảy ra là do cô đang trong ngày “đèn đỏ”. “Khi đó, tôi nghĩ rằng, mình đang trong ngày đèn đỏ. Vì vậy, có lẽ, sức khoẻ không được tốt lắm”, Saldivar nhớ lại.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, cô cảm thấy buồn nôn và nhanh chóng rơi vào trạng thái bất tỉnh trên sàn nhà phòng vệ sinh trường. Là người mắc hội chứng sạch sẽ, nữ giáo viên 26 tuổi vẫn còn ý thức về việc mình đang nằm trên sàn nhà vệ sinh. “Tôi sẽ không nằm trên sàn nhà vệ sinh”, Saldivar cười và kể lại.

Khi gọi cho đồng nghiệp của mình bằng chiếc đồng hồ thông minh trên tay, Saldivar chỉ yêu cầu người này đưa cô về lớp để chuẩn bị giảng dạy tiết học tiếp theo.

Thậm chí, Saldivar chủ quan cho rằng, việc xuống phòng y tế trường là không cần thiết. Song, chỉ vài phút sau đó, nữ giáo viên đã thay đổi quyết định khi cơn đau đầu của cô ngày càng dữ dội và lan rộng.

Saldivar nhớ mình đã nhìn lên y tá và sau đó được đưa vào xe cấp cứu. “Tôi cứ nói: ‘Đầu tôi, đầu tôi, đầu tôi’. Tôi nghĩ rằng, y tá đã cho là tôi phản ứng thái quá”, Saldivar nói. Sau khi được đưa đi cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán, Saldivar bị đột quỵ.

Điều đáng nói là trước đó, sức khỏe của cô hoàn toàn tốt. Thậm chí, nữ giáo viên trẻ luôn duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá hay uống rượu, bia.

Sau khi trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, Saldivar - hiện là mẹ của một em bé 4 tháng tuổi, đã quyết định lên tiếng để nâng cao nhận thức về đột quỵ ở những người trẻ tuổi. Cô đồng thời khuyến khích mọi người chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.

Ngỡ đau đầu do đèn đỏ, nữ giáo viên trẻ bị đột quỵ nguy kịch - Ảnh 1.

Saldivar và gia đình.

Tình trạng bất thường ở người trẻ tuổi

Nữ giáo viên 26 tuổi cho biết: “Việc tôi chia sẻ câu chuyện của mình sẽ giúp mọi người nhận ra rằng, không có giới hạn về độ tuổi của tình trạng đột quỵ. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần biết các dấu hiệu. Nhờ vậy, chúng ta có thể cứu mạng sống của chính mình hoặc những người xung quanh”.

Thời điểm đó, Saldivar cho biết đã phải đợi hàng giờ để được chụp não. Mặc dù Saldivar không nhớ chi tiết khi được đưa tới bệnh viện, nhưng gia đình và bạn trai của cô nói rằng, họ đã đợi hàng giờ để được gặp nữ giáo viên.

Khi đó, bạn trai Saldivar chia sẻ đã cảm thấy có điều gì đó không ổn về sức khoẻ của nữ giáo viên. “Cô ấy chưa bao giờ rơi vào tình trạng như thế này”, anh cho biết.

Kết quả chụp não cuối cùng cũng cho thấy, linh cảm của bạn trai Saldivar là đúng. Khi đó, các bác sĩ lâm sàng cho biết cần ngay lập tức đưa nữ bệnh nhân vào phẫu thuật.

Cô ấy bị chứng vỡ túi phình động mạch não, dẫn đến chảy máu não nghiêm trọng. “Bác sĩ nói rằng, thật may mắn vì tôi đã đưa đi cấp cứu nhanh chóng vào thời điểm đó. Bởi, nếu đợi lâu hơn nữa, chắc chắn tôi đã không thể hồi phục”, Saldivar nói.

TIN LIÊN QUAN

Những người ngủ kiểu này có nguy cơ đau tim, đột quỵ cao hơn

Chuyên gia về tuổi thọ 'trẻ hơn 20 tuổi' nhờ sử dụng 1 loại rau, 2 loại quả và 1 loại trà mỗi ngày

Các bác sĩ đã sử dụng đoạn dây có tác dụng cầm máu, luồn qua một ống thông kéo dài từ háng đến não của bệnh nhân. Sau khi hồi phục, nữ giáo viên 26 tuổi bày tỏ sự biết ơn tới các bác sĩ đã điều trị cho mình.

Đặc biệt, cô không cần phải cạo đầu để thực hiện phẫu thuật mở hộp sọ - điều mà những bệnh nhân bị đột quỵ khác có thể phải trải qua. “Tôi yêu mái tóc của mình”, Saldivar chia sẻ.

Sau khoảng hai tuần nằm viện, cô hoàn toàn hồi phục và được xuất viện. Nữ giáo viên nhận thấy bản thân là người may mắn vì đã hồi phục hoàn toàn trong một thời gian ngắn.

Nhiều người sống sót sau chứng vỡ túi phình động mạch não phải mất nhiều năm và thực hiện hàng loạt liệu pháp để lấy lại khả năng giao tiếp, đi lại cũng như ăn uống.

Sau vài tháng xuất viện, Saldivar đã có thể tự lái xe và trở lại trường giảng dạy. Cô đã nhận được rất nhiều thiệp chúc sức khỏe từ các học sinh. Thậm chí, các học sinh trong lớp đã tổ chức bữa trưa vào cuối năm để chúc mừng Saldivar. “Các học sinh rất vui khi thấy tôi còn sống và khỏe mạnh”, nữ giáo viên cho biết.

Chia sẻ về tình trạng đột quỵ ở người trẻ, tiến sĩ Donald M. Lloyd-Jones - Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết, các thống kê chỉ ra rằng, có khoảng 10% số ca đột quỵ xảy ra ở những người dưới 50 tuổi.

Đồng thời, nguy cơ này sẽ giảm xuống khi tuổi càng trẻ. Đột quỵ xảy ra khi có sự gián đoạn lưu lượng máu đến não, điển hình là do cục máu đông di chuyển đến não hoặc do chảy máu não tự phát.

Mặc dù không thể kiểm soát một số yếu tố như tiền sử gia đình bị đột quỵ, nhưng những yếu tố khác như không hút thuốc và duy trì huyết áp ổn định thì chúng ta hoàn toàn có thể. Biện pháp tránh thai nội tiết tố có chứa estrogen - đặc biệt là ở những người hút thuốc - cũng có thể làm tăng nguy cơ gây đột quỵ.

Việc bệnh nhân được điều trị nhanh như thế nào sẽ ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng và thời gian của các biến chứng có thể xảy ra sau đó. Một số biến chứng có thể bao gồm: Nhiễm trùng tiểu, viêm phổi, tê liệt, khó nói và nuốt, mất trí nhớ. Thậm chí, những người này cũng có thể thay đổi tính cách và có xu hướng nói tục.

“Thời gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu mô não và chức năng não”, tiến sĩ Lloyd-Jones nhấn mạnh. Đó cũng là lý do tại sao nữ giáo viên Saldivar mong muốn truyền tải thông điệp tới mọi người để có thể nhận biết rõ dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ. Trong đó, một số biểu hiện bao gồm: Khuôn mặt rũ xuống, cánh tay yếu, khó nói. Khi đó, việc cần làm là gọi cấp cứu để hỗ trợ bệnh nhân.

Theo Insider

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ngo-dau-dau-do-den-do-nu-giao-vien-tre-bi-dot-quy-nguy-kich-a30751.html