Điển hình như trường hợp nam thanh niên (31 tuổi, ngụ TP HCM) giấu gia đình sử dụng chất gây nghiện. Nhằm tạo cảm giác mới lạ, mỗi lần dùng, người này đã chủ động nuốt các dị vật như đá, vỏ cam, quýt, chôm chôm… Đến khi người này đau bụng, gia đình đưa đi bệnh viện thăm khám.
Tại bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán lâm sàng phát hiện bao tử bệnh nhân có nhiều dị vật. Các bác sĩ khi nội soi gắp dị vật thấy trong bao tử như một "đống rác hỗn độn" vì có các loại vỏ trái cây, thủy tinh, đá…
Các dị vật sau khi được gắp ra từ một số bệnh nhân nuốt dị vật tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM). (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)
Tương tự tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, mới đây cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.H. (28 tuổi, Tân Bình, TP.HCM) uống nhầm vỏ thuốc hạ sốt.
Người bệnh được nội soi gắp vỏ thuốc ra khỏi thực quản. Chị đỡ đau, không còn tức ngực, được bác sĩ kê thuốc uống chống viêm, tiếp tục theo dõi 2 tiếng trước khi về nhà.
Trước nhập viện 30 phút, chị H. uống thuốc hạ sốt và thấy có vật vướng ở cổ họng. Lúc đầu, chị nghĩ do viên thuốc to nhưng vài phút sau, chị thấy đau tức giữa ngực. Chị không dám cử động mạnh, không dám nuốt nước bọt, ra dấu hiệu nhờ người thân đưa đi bệnh viện.
Lúc nhập viện ở khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, người bệnh lo lắng, không dám nói chuyện, chỉ vào ngực như than đau. Đang trong ca trực, bác sĩ Phan Tuấn Trọng nghi ngờ người bệnh nuốt dị vật nên chỉ định nội soi thực quản. Kết quả nội soi nhận thấy tại thực quản của chị H. có vỏ thuốc đang mắc kẹt, làm xước thực quản.
Vỏ thuốc chị H. nuốt phải có chiều dài gần 2cm, hình vuông, còn nguyên viên thuốc ở trong, cứng, 3 cạnh sắc nhọn, 1 cạnh vòm. Dị vật mắc kẹt tại thực quản, nếu không được xử lý kịp thời có thể làm rách hoặc thủng thực quản gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay khi được nội soi lấy vỏ thuốc ra ngoài, chị H. nói vì sốt và mệt nên khi lấy nhiều thuốc đã không chú ý trong tay có cả viên thuốc còn vỏ.
Bác sĩ Trọng cho biết người bệnh bị trầy xước nhẹ ở thực quản, được kê thuốc uống chống viêm nhiễm. Khi xuất viện, chị H. được dặn dò về nhà dùng thức ăn lỏng mềm, cần theo dõi các triệu chứng của cơ thể. Nếu có tình trạng buồn ói, nôn ói, đau ngực, đau bụng cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trọng giải thích dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu thường gặp bao gồm đồ ăn, xương cá, tăm, đinh, viên bi… Người bị hóc dị vật đường tiêu hóa sẽ có các triệu chứng như nuốt vướng, đau khi nuốt, không ăn uống được, nôn khi cố gắng ăn, khó thở, tức ngực, đau nóng rát ở xương ức.
Một số nguyên nhân gây hóc dị vật đường tiêu hóa như ăn, uống quá nhanh, vội vàng, vừa ăn vừa trò chuyện, nhai không kỹ, vừa ăn vừa xem điện thoại... Với người lớn tuổi do không thể cắn xé thức ăn lớn, dai. Với trẻ em thì tò mò thích bỏ mọi thứ vào miệng. Hoặc với người trưởng thành do thói quen ngậm tăm tre…
Bác sĩ Trọng khuyến cáo để phòng tránh hóc dị vật đường tiêu hóa nên tập trung khi ăn uống, nhai kỹ, nuốt chậm, chia thức ăn thành miếng nhỏ, không uống thuốc vội vàng.
"Khi mắc dị vật đường tiêu hóa cần đến ngay cơ sở y tế để xử lý ngay, tránh các biến chứng nặng như rách, thủng đường tiêu hóa gây chảy máu, tạo ổ áp-xe, nhiễm trùng lan rộng đến cơ quan xung quanh như phổi và tim, đe dọa đến tính mạng", BS Trọng cho hay.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nhieu-truong-hop-nuot-nham-di-vat-bac-si-dua-ra-loi-canh-bao-a30824.html