Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha.
Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
Trước thực tế việc mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử có xu hướng gia tăng, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp Trị cho rằng, việc sử dụng thuốc lá giúp người dân thư giãn, một cách tạo ra các mối giao tiếp, liên hệ cộng đồng giữa những người dùng với nhau. Sau này thuốc lá được thương mại hoá thành các sản phẩm đóng gói tiện sử dụng, dễ tiếp cận.
“Những người kinh doanh vì lợi nhuận nên bất chấp sức khoẻ của người tiêu dùng. Sau khi thấy hình ảnh, việc kinh doanh thuốc lá điếu giảm sức hút, ít lợi nhuận họ đã phát triển thuốc lá điện tử để vực dậy nền công nghiệp kinh doanh này.
Họ cũng phát triển những hoạt động quảng cáo, tiếp thị maketing để khiến cho người tiêu dùng, giới trẻ nghĩ sử dụng thuốc lá điện tử là thời thượng, sạch sẽ, cảm giác ít độc hại nguy hiểm hơn thuốc lá điếu truyền thống. Với thực trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tràn lan phổ biến như hiện nay thì có thể thấy các nhà sản xuất thuốc lá điện tử đã rất thành công”, LS Lực nhận định.
Xử lý hình sự nếu nhập lậu thuốc lá điện tử
Theo LS Lực, đối với các đơn vị kinh doanh thuốc lá điện tử, nếu phát hiện đơn vị nhập lậu thì cá nhân, pháp nhân nhập lậu thuốc lá điện tử có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Buôn lậu theo quy định tại điều 188 Bộ luật hình sự.
Với cá nhân buôn lậu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ đến 20 năm: Vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản
Với Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Theo LS Lực, việc sử dụng pháp luật hiện hành để điều chỉnh, răn đe hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng thuốc lá điện tử không thực sự hiệu quả.
“Thực tế chúng ta có quy định nhưng không thể xử phạt được người tiêu dùng sử dụng thuốc lá nơi công cộng, nơi có quy định cấm sử dụng thuốc lá”, LS Lực nói.
Cùng trao đổi về vấn đề này, theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn Luật sư Tp.Hà Nội, thuốc lá điện tử không phải là mặt hàng bị cấm. Cho đến hiện tại, pháp luật chưa có chế tài cụ thể nào quy định việc không được lưu hành thuốc lá điện tử.
Vì vậy, việc sử dụng và kinh doanh loại hình thuốc lá này không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên khi buôn bán thuốc lá điện tử, thương nhân phải có giấy phép đăng ký kinh doanh theo các điều kiện cụ thể và nộp thuế đầy đủ theo quy định trong luật.
Ngoài ra, khi nhập khẩu mặt hàng này, người bán còn cần phải có hợp đồng, giấy phép hải quan theo đúng quy định để tránh việc nhập lậu.
Cũng theo LS. Vinh, Bộ Công Thương cần đề xuất khung pháp lý hoàn chỉnh quy định về việc mua bán, tiêu thụ thuốc lá điện tử.
“Phải có sự rạch ròi về định nghĩa, đối tượng nào được sử dụng thuốc lá điện tử, cấm sử dụng trong những trường hợp nào nhằm tránh tình huống lợi dụng thuốc lá điện tử để tiêu thụ các chất cấm như ma túy, cần sa…”, LS Vinh cho biết thêm.
Để hạn chế thuốc lá điện tử “len lỏi” vào trường học, dễ tiếp cận giới trẻ sử dụng, LS Lực cho rằng cần nâng cao công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử. Cần đặc biệt nhấn mạnh thuốc lá điện tử không văn minh hơn, không ít độc hại hơn thuốc lá điều truyền thống.
“Bên cạnh đó, cần một hoạt động tuyên truyền đủ hiệu quả để xô đổ, phủ nhận được hoạt động quảng cáo, tiếp thị maketing của các hãng kinh doanh thuốc lá điện tử”, LS Lực nhấn mạnh.
Nhập viện cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử
Theo phản ánh đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử. Mặc dù vậy, thực trạng học sinh hút thuốc lá điện tử vẫn đang gia tăng vì được cho rằng "sang chảnh, vô hại".
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử ban đầu mang hình dạng điếu thuốc nhưng ở những thế hệ sau được mang dạng của bộ hút trong đó bộ chứa càng thế hệ sau càng cải tiến, có thể cho thêm bất kỳ dung dịch gì. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên nguy cơ mất an toàn với người sử dụng.
Mặc dù nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử quảng cáo không chứa Nicotin như thuốc lá truyền thống nhưng thực tế nhiều sản phẩm còn chứa lượng Nicotin cao gấp nhiều lần thuốc lá, thuốc lào.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Thanh Lam – Phương Thảo – Phạm Tùng
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ky-3-bao-ve-nguoi-tieu-dung-the-nao-khoi-thuoc-la-dien-tu-a31119.html