Sách là kho tàng tri thức, là bài học đạo đức
Ngày 21/4, tại quảng trường thị trấn Đắk Mil (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND huyện Đắk Mil, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức lễ khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số”.
Đây là năm thứ 6, tỉnh Đắk Nông duy trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng và tôn vinh văn hóa đọc nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại địa phương.
Qua đó, nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Đồng thời, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Ngày hội Sách và Văn hóa đọc tỉnh Đắk Nông năm 2022 gồm các gian hàng triển lãm, trưng bày, phục vụ đọc sách miễn phí và bán sách giá ưu đãi diễn ra từ ngày 21/4 đến hết ngày 22/4.
Tại đây, bạn đọc được tham quan các hoạt động triển lãm, trưng bày hơn 10.000 bản sách về thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống xã hội; quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; giới thiệu những tác phẩm nổi bật trong kỷ nguyên số; tìm hiểu kiến thức về biển đảo, sách về địa chí Đắk Nông.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội Sách và Văn hóa đọc còn có một số hoạt động ý nghĩa như: Trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021; trưng bày hình ảnh, tư liệu “Trường Sa, Hòa Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và phát lý”; trao giải cuộc thi kể chuyện theo sách với chủ đề “Em yêu quê hương đất nước”; tọa đàm với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số”...
Đạt giải khuyến khích cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức với bài viết “Mỗi lần vấp ngã là một lần trưởng thành”, em Đinh Thị Như Hạ, học sinh lớp 11B3, Trường THPT Krông Nô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Em bắt đầu đọc sách từ năm em học lớp 7, ngoài giờ học những lúc rảnh rỗi em đều ưu tiên việc đọc sách. Ba mẹ em rất ủng hộ nên mỗi khi tìm hiểu trên mạng có sách hay, phù hợp lứa tuổi em lại đặt mua.
Em nhận thấy, sách có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người, là kho tàng tri thức. Sách không những đem đến cho ta nguồn tri thức mà sách còn là bài học đạo đức, bài học kinh nghiệm để chúng ra rút ra sau mỗi lần đọc sách. Em rất thích câu nói này của nguyên Tổng thống Mỹ Obama “việc đọc rất quan trọng nếu bạn biết cách đọc cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”.
Đọc sách để tự tin bước vào đời
Ông Đoàn Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả.
Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người và đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu không thể thiếu của mỗi con người.
Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một lối văn hóa cao đẹp, từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững”.
Cũng theo ông Vinh, trong giai đoạn hiện nay, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, sự phát triển của khoa học công nghệ, Internet, mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động và sinh hoạt của con người.
Trong đó, có sự thay đổi trong nhận thức, hành động và thói quen tìm hiểu, khám phá thế giới thông qua đọc sách. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của khoa học công đã tạo ra nhiều cơ hội và thêm kênh thông tin để thu nhận tri thức bên cạnh việc đọc sách. Chính điều đó đã khiến văn hóa đọc có nhiều thay đổi.
Dù vậy, cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng đã và đang hiện hữu, tất cả các quốc gia đều đang chuyển mình đón lấy thời cơ khẳng định sự hùng mạnh thông qua việc nắm bắt công nghệ số. Do đó, ông Vinh cho rằng, trong thời kỳ chuyển đổi số, văn hóa đọc cũng cần có sự thích ứng và cần được thúc đẩy với tư duy tiếp cận mới.
Ông Vinh cho hay, một trong những giải pháp phát triển văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ hiện nay là phải tạo môi trường đọc hứng thú, từ đó khơi dậy tinh thần hiếu học, hình thành thói quen xem sách là người bạn thân thiết không thể thiếu của mỗi người.
Đồng thời, hoạt động xuất bản, thông tin cũng cần thích ứng, chuyển mình và bắt đầu chuyển đổi số, hình thành các thư viện số, ứng dụng các công nghệ để hỗ trợ bạn đọc “nghe sách” thông qua sách số, sách nói…
“Việc nghiền ngẫm một trang sách quả thực có rất nhiều điều thú vị. Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, bất ngờ, rủi ro khôn lường. Và để ứng phó được với các thách thức, vượt ra khỏi khó khăn và vươn lên cần phải có kiến thức.
Muốn có kiến thức thì phải học và tự học mà đọc sách là quan trọng nhất của việc tự học. Tôi nghĩ rằng, nếu các em học sinh tiểu học bắt đầu đọc sách mỗi ngày 30 phút, bắt đầu tự học chuyên cần từ ngày hôm nay, thì 15 đến 20 năm nữa, các em có thể tự tin bước vào cuộc đời, có thể trở thành công dân toàn cầu, có thể cạnh tranh được với công dân của các nước phát triển.
Có thể nói, nhờ kiến thức thu được từ đọc sách mà chúng ta mới cảm thấy tự tin khi ra xã hội hay ra nước ngoài” , ông Vinh chia sẻ.
Từ những phân tích nói trên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông kêu gọi mỗi tổ chức, cá nhân, các cấp, các ngành hãy chung tay góp sức xây dựng một phong trào đọc sách, hướng tới một phong trào học tập và học tập suốt đời...
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/doc-sach-de-tu-tin-vuot-qua-kho-khan-thach-thuc-a3127.html