Bị bạn bè trong lớp cô lập
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, UBND huyện Ứng Hòa về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh về vụ nữ sinh lớp 8 bị bạn đánh hội đồng, bạn can ngăn cũng bị đánh theo.
Trước đó, Phòng GD-ĐT huyện Ứng Hoà cũng xác nhận sự việc trên xảy ra tại trường THCS Minh Đức vào chiều ngày 11/5. Các nữ sinh xuất hiện trong đoạn clip là học sinh khối 8, học chung lớp. Ngay khi nắm được thông tin, nhà trường đã giải quyết, giảng hoà giữa các học sinh, tuy nhiên sau đó clip vẫn bị phát tán trên mạng xã hội.
Bắt nạt học đường là câu chuyện không hề mới nhưng hiện nay, tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều ảnh hưởng lớn tới học sinh.
Tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận trường hợp trẻ bị bắt nạt tới khám do có các triệu chứng rối loạn tâm thần. Các bệnh nhân thường tới khám vào dịp gần nghỉ hè.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân học lớp 8 (14 tuổi, tại Bắc Ninh). Bệnh nhân vào viện do buồn chán, có ý định tự sát, tự hủy hoại bản thân. Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh, không có tiền sử viêm não, chấn thương sọ não; không có tiền sử sử dụng chất tác động tâm thần.
Theo gia đình nữ sinh, ở bậc tiểu học, bệnh nhân học tập tốt, lên cấp II, bệnh nhân có học lực giỏi khi học lớp 6, 7. Bệnh nhân ít chơi với các bạn ở lớp, chỉ có một vài bạn thân ngoài lớp. Bệnh nhân ít khi nói chuyện với các bạn cùng lớp.
Khoảng 1 năm nay, nữ sinh có căng thẳng với 1 nhóm bạn nữ trong lớp. Các bạn hay nói mỉa mai, chê bai về ngoại hình, nói xấu nữ sinh rằng em "kiêu, chảnh" và "khinh người", cho rằng em hay "nhìn đểu".
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ (Ảnh: Ngọc Minh)
Nhóm bạn nữ trong lớp thường đe dọa, xúc phạm, có lúc cầm vở tát vào mặt bệnh nhân trong lớp học vào giờ ra chơi. Thỉnh thoảng khi tan học, nhóm bạn có chặn bên ngoài trường để gây căng thẳng, có lúc đánh bệnh nhân.
Bệnh nhân còn bị các bạn doạ nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ sẽ bị đánh nhiều hơn. Do đó, bệnh nhân không dám báo cáo. Bệnh nhân đã có lần nói qua với mẹ về việc gặp một vài vấn đề với bạn trên lớp (không nói cụ thể bị bắt nạt) nhưng mẹ bệnh nhân cho rằng đó là việc trẻ con, tuổi học trò nên bảo con tự giải quyết.
Bị bắt nạt kéo dài khoảng gần 1 năm khiến bệnh nhân luôn lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt, nổi nóng với người thân, học tập bị giảm sút. Bệnh nhân nghỉ học thường xuyên hơn, trở lên lầm lì và ít nói hơn, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn.
Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân tự ý nghỉ học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc, có suy nghĩ tiêu cực, không muốn sống, có ý nghĩ tự sát để giải thoát, có hành vi rạch tay với mục đích giảm căng thẳng. Gia đình lo lắng nên đưa con đi khám và được nhập viện.
Bệnh nhân được chẩn rối loạn trầm cảm nặng. Bệnh nhân điều trị nội trú 21 ngày, 1 tuần đầu bệnh nhân còn ít tương tác, ít chia sẻ với người thân và nhân viên y tế. Tuần tiếp theo bệnh nhân cởi mở hơn, chia sẻ các vấn đề của bản thân, tích cực giao tiếp, hoạt động, tương tác với bệnh nhân khác, khí sắc khá hơn, giảm ý tưởng tự sát, kiểm soát và giảm hành vi tự hủy hoại, ăn uống tốt hơn và giấc ngủ cải thiện.
Bệnh nhân được xuất viện về nhà, tái khám tại phòng khám ngoại trú bệnh viện sau 2 tuần.
Bắt nạt học đường ảnh hưởng lớn tới trẻ
BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), đồng thời là giảng viên Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội, cho hay bắt nạt là việc sử dụng vũ lực, ép buộc, trêu chọc, đe doạ, lạm dụng được lặp đi lặp lại của người được cho là mạnh mẽ, quyền lực hơn về thể chất hoặc xã hội.
Hành vi bắt nạt có 3 yếu tố chính: Hành vi hung hăng, lời nói nhằm làm tổn thương cá nhân cả về thể chất, tinh thần và xã hội; Hành vi lặp đi lặp lại; Có sự mất cân bằng về sức mạnh thể chất và xã hội.
Theo bác sĩ Yến, hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học. Nó có tác động ngắn hạn và dài hạn đối với cá nhân bị bắt nạt, cá nhân bắt nạt, cũng như người ngoài cuộc có mặt trong sự kiện bắt nạt. Bắt nạt ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khoẻ thể chất.
Trẻ bị cô lập (Ảnh: Shutterstock/Tom Wang)
Bác sĩ Yến khuyến cáo: "Trẻ bị bắt lại có các yếu tố gây căng thẳng về tâm lý và thể chất. Khi bị bắt nạt, cơ thể kích hoạt hệ thống stress tập trung vào trục vùng dưới đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA)… Sự ảnh hưởng của corticoid và các hormone khác trong stress có thể liên quan đến các vấn đề rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập…".
Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng các vấn đề ở thanh thiếu niên bị bắt nạt có lòng tự trọng thấp, cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn (Juvonen và Graham, năm 2014).
Theo bác sĩ Yến, một số nghiên cứu đã ước tính mối liên hệ giữa việc tham gia bắt nạt với ý tưởng và hành vi tự tử. Theo đó, nguy cơ gia tăng (tỷ lệ chênh lệch) của ý định tự tử và (hoặc) nỗ lực tự tử liên quan đến hành vi bắt nạt. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng cho đến nay để kết luận rằng bắt nạt là một yếu tố nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử ở thanh thiếu niên.
Trẻ bị bắt nạt khi còn bé có nguy cơ lạm dụng rượu, chất gây nghiện cao hơn nhóm trẻ ko bị bắt nạt. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn cần phải có thời gian theo dõi thêm.
Trong học tập, trẻ bị bắt nạt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả học tập. Trẻ thường không muốn đi học, kết quả học tập sa sút.
Để dự phòng việc bắt nạt, cần có có sự phối hợp của gia đình và nhà trường. Về mặt cộng đồng, cần có các chương trình truyền thông, hợp tác liên ngành trong việc giải quyết bắt nạt học đường. Chương trình bao gồm các đường dây nóng về giáo dục, xử lý các khủng hoảng.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bi-ban-be-bat-nat-gan-1-nam-nu-sinh-lop-8-tram-cam-nang-co-y-dinh-tu-sat-a31690.html