Sáng sớm, tại khu vực sảnh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã có rất đông phụ huynh đưa con đến khám và điều trị. Nắng nóng gay gắt cùng với số lượng người đông càng khiến cho không khí càng thêm khó chịu.
Chị Nguyễn Thị Huyền (trú huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cho biết, gia đình cách bệnh viện khoảng 80km nên mẹ con đã phải đi từ 5h sáng, thế nhưng khi xuống đến nơi vẫn phải xếp một hàng dài vẫn chưa đến lượt.
“Mấy ngày nắng nóng, cháu ốm ho và chảy nước mũi, uống mấy liền thuốc không khỏi nên mẹ con phải xuống đây. Nhưng bệnh nhân đông quá nên chắc 10h mới đến lượt khám”, chị Huyền nói.
Bác sĩ Vương Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, những ngày qua mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 500 - 800 bệnh nhân nhi đến khám (tăng so với cùng kỳ năm trước từ 10-20%).
Các trẻ nhập viện thường là các bệnh lý truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu; viêm da, chốc lở, ban dị ứng, sốt phát ban, sốt virus; các bệnh lý về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản; bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy ngộ độc thức ăn...
Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến bệnh nhi tăng là sự thay đổi thời tiết đột ngột từ nắng nóng chuyển sang mưa và ngược lại. Tình trạng này khiến vi khuẩn, virus phát triển; cơ thể trẻ không kịp thích nghi nên dẫn đến viêm đường hô hấp, nhiễm trùng. Ngoài ra, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ không đúng cách, ăn các thực phẩm lạnh cũng khiến trẻ mắc bệnh.
Trước tình trạng trên, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã phải triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người bệnh; Chủ động tăng cường nhân lực, phòng khám, giường bệnh giúp bệnh nhân khám sớm; tăng cường quạt nước tại nơi đông người…
Bệnh viện còn khuyến cáo người bệnh ứng dụng các tiện ích công nghệ thông tin để lấy số thứ tự khám nhằm tránh đi lại vất vả vào thời điểm nắng nóng, giảm thời gian chờ đợi.
Không chỉ trẻ nhỏ, nắng nóng gay gắt còn khiến người cao tuổi nhập viện điều trị cũng tăng cao. Tại Bệnh viện Đa khoa Tp. Vinh các bệnh nhân đến khám bệnh rất đông.
Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 2.500 - 3.000 bệnh nhân đến khám và 800 - 900 bệnh nhân vào điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân đến đây là người cao tuổi, mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn tiêu hoá, đường hô hấp…
Bác sĩ Đoàn Thị Quý, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Tp. Vinh khuyến cáo, để phòng bệnh mùa nắng nóng, người cao tuổi cần phải uống đủ nước, từ 1,5 lít nước/ngày trở lên, uống đều thời gian trong ngày, không nên chờ khi khát mới uống.
Đặc biệt, người cao tuổi cần tránh ra ngoài trời nắng trong giờ cao điểm. Nếu nằm phòng điều hòa nên duy trì nhiệt độ từ 25 đến 27 độ C. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi.
“Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Quý nói.
Các bác sĩ nêu rõ, người già và trẻ nhỏ là những đối tượng thích nghi kém với môi trường, vào những ngày nắng nóng không nên đi ra ngoài trời để đề phòng sốc nhiệt - say nắng…
Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Khi phát hiện người bị sốc nhiệt - say nắng, cần nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương; trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát; thực hiện cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết; thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể; làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như xịt mát cơ thể bằng nước, dùng quạt phun sương.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, ngày 22/5, tỉnh Nghệ An tiếp tục xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37- 39 độ C, có nơi trên 40 độ C như huyện Tương Dương 40.4 độ C, xã Tây Hiếu 40.3 độ C... Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nghe-an-nang-nong-40-do-tre-em-nhap-vien-tang-cao-a31746.html