Bệnh tay chân miệng diễn biến đáng ngại

Số ca mắc bệnh tay chân miệng trở nặng gia tăng trong bối cảnh mùa mưa - mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết - cận kề. Nếu không chủ động có biện pháp ứng phó, TP HCM đối diện nguy cơ dịch chồng dịch.

Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trẻ em mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cùng với việc phát hiện chủng Enterovirus 71 (EV71) là tác nhân gây bệnh, các chuyên gia cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp.

Nỗ lực kiểm soát cả 2 bệnh

Ghi nhận tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM cho thấy số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng.

Cụ thể, trung bình tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 mỗi ngày điều trị khoảng 20-30 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Đáng chú ý, một bệnh nhi 5 tuổi đã tử vong và được xác định mắc chủng EV71. Đây là chủng virus lây lan rất nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến hơn 100 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tử vong vào năm 2011.

Sau 2 ngày cho con trai nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng, chị N.T.T (ngụ TP HCM) mới bớt lo lắng. Chị T. cho biết trước đó, con chị sốt, biếng ăn, hay quấy khóc. Đến khám tại phòng khám tư ở địa phương, bé được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Sau đó, tình trạng bệnh không giảm kèm thêm bé ngủ hay giật mình, chới với nên chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám và nhập viện.

"Bé đã từng mắc bệnh tay chân miệng nên sau khi khám ở địa phương, tôi theo dõi con rất sát. Khi bé có biểu hiện giật mình, nổi nốt ban ở miệng nhiều, tôi cho con nhập viện điều trị luôn. Sau 2 ngày, hiện tình trạng bé đã cải thiện" - chị T. cho biết.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Khoa Nhiễm đang điều trị cho 23 trẻ mắc bệnh tay chân miệng và 5 trẻ bị sốt xuất huyết. Theo anh N.Đ.S (ngụ Bình Phước), khi con sốt, nghĩ rằng bé bị cảm thông thường vì thời tiết thay đổi nên gia đình chỉ cho uống thuốc hạ sốt và không thăm khám. Tuy nhiên, sau 3 ngày, bé sốt không hạ nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Tại đây, bé được chẩn đoán sốt xuất huyết độ 2, gần chuyển sang độ 3.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 3 trẻ đã tử vong. Riêng tại TP HCM, HCDC cho biết tính đến ngày 28-5, thành phố ghi nhận 1.670 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó nhóm trẻ từ 1-3 tuổi chiếm khoảng 62%.

Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh nhân sốt xuất huyết cũng đang gia tăng. Theo HCDC, mỗi tuần TP HCM ghi nhận 150 - 170 ca bệnh sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, TP HCM có hơn 7.600 bệnh nhân sốt xuất huyết. HCDC nhận định theo quy luật, khoảng 2 tuần tới sẽ bắt đầu mùa cao điểm bệnh sốt xuất huyết và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10.

Trong 2 tuần qua, tuy chỉ mới xuất hiện vài cơn mưa nhưng kết quả giám sát của HCDC về hoạt động phòng chống dịch tại các phường, xã cho thấy có 20 điểm nguy cơ (có lăng quăng) trong tổng số 39 điểm được giám sát, chiếm trên 50%. Tỉ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn khi thành phố chính thức bước vào mùa mưa.

HCDC cảnh báo nếu không chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả 2 bệnh này ngay từ bây giờ, TP HCM đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch rất lớn trong những tháng sắp tới.

Trước tình hình trên, UBND TP HCM vừa ban hành văn bản khẩn, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chú ý các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như: điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Khi phát hiện có ca bệnh, cần xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan. Chuẩn bị sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế; chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Bệnh tay chân miệng diễn biến đáng ngại - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)

Bác sĩ lo thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Sở Y tế TP HCM cho biết đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn những trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Bên cạnh đó, các bệnh viện chuyên khoa nhi của TP HCM đã sẵn sàng trang thiết bị hồi sức những trường hợp nặng (lọc máu, ECMO...) và thuốc điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (chủ yếu là Pheno-barbital và Gamma globulin truyền tĩnh mạch).

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại các bệnh viện, để hạn chế cơn co giật ở bệnh nhi tay chân miệng độ nặng, ngoài thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, bác sĩ còn phải cột tay và chân các bé. Hiện thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch đã hết, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp khác điều trị cho trẻ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, BS CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết từ lâu, bệnh viện không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, chỉ còn thuốc Gamma Globulin và IVIG. Bệnh viện đã phải dùng thuốc Phenobarbital dạng uống thay thế dạng truyền tĩnh mạch, hiệu quả thấp hơn.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch mà chỉ còn thuốc dạng uống. Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc Phenobarbital dạng uống, các bác sĩ còn phối hợp với biện pháp hạ sốt tích cực, chăm sóc sát sao để hạn chế bệnh nhi chuyển nặng.

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cũng bày tỏ lo ngại khi bệnh viện đã hết thuốc Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ. Nguyên nhân là do việc đấu thầu và tiếp nhận thuốc chưa triển khai xong. Để chăm sóc bệnh nhi kịp thời, bệnh viện đang cố gắng sử dụng nguồn thuốc dự trữ tương đương tác dụng Phenobarbital. Tuy nhiên, số lượng thuốc này cũng đang dần cạn kiệt.

"Bệnh viện còn khoảng 200 lọ Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Mỗi bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ nặng cần dùng khoảng 4-8 lọ Gamma Globulin (dưới 3 tuổi). Như vậy, thời gian tới, số lọ thuốc còn lại chỉ dùng được cho khoảng 25 - 50 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng" - bác sĩ Tiến lo ngại.

Các bệnh viện hỗ trợ nhau trong thời gian chờ thuốc

Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã nhận được công văn của Sở Y tế TP HCM về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng khi tình hình diễn biến phức tạp. Theo cơ quan này, dự kiến tháng 7 tới, thuốc Phenobarbital nhập khẩu điều trị bệnh tay chân miệng sẽ về Việt Nam.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, thuốc điều trị bệnh tay chân miệng có giá khá cao (3-4 triệu đồng/lọ). Vì vậy, bệnh viện phải tính toán số lượng thuốc hợp lý so với nhu cầu thực tế, tránh tình trạng lãng phí khi nhập thuốc về nhưng không sử dụng hết vì việc bảo quản cũng khó khăn. Để giảm thiểu rủi ro, tránh lãng phí, hầu hết các bệnh viện hỗ trợ điều phối thuốc qua lại.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/benh-tay-chan-mieng-dien-bien-dang-ngai-a33187.html