Ăn nội tạng động vật có hại sức khỏe không? 5 nguyên tắc giúp ăn nội tạng an toàn

Lòng gà xào, gan nướng, lòng dồi nướng,... là những món ăn làm từ nội tạng động vật được nhiều người ưa thích. Vậy ăn nội tạng có hại cho sức khỏe hay không?

Có vô số cách để chế biến nội tạng của động vật thành món ngon mĩ vị, có thể ăn được quanh năm. Tuy nhiên, những tin đồn về “nội tạng động vật chứa nhiều chất bẩn, mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe” lại khiến nhiều người lo lắng không dám ăn. Vậy ăn nội tạng động vật có hại cho sức khỏe không?

Ăn nội tạng động vật có an toàn hay không?

Nội tạng động vật chỉ an toàn khi ăn nếu không bị nhiễm bẩn. Chúng chứa khá nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe song lại dễ bị nhiễm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... phát triển trong quá trình giết mổ, vận chuyển, lưu thông và chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Vì vậy, nói chung, khi mua nội tạng động vật để chế biến làm món ăn, mọi người vẫn nên chọn các cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh mua phải nội tạng động vật bị nhiễm bẩn, gián tiếp gây hại đến sức khỏe bản thân..

Các chất dinh dưỡng trong nội tạng động vật

Nội tạng động vật chứa các chất dinh dưỡng như sau:

1. Hàm lượng sắt phong phú

Nội tạng động vật có chứa hàm lượng sắt phong phú, điển hình như những loại nội tạng có màu đỏ sậm như gan, thận, tim của gia cầm, gia súc. Sắt được biết đến là một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt là những người mắc bệnh thiếu máu. 

2. Giàu vitamin

Các cơ quan nội tạng là nơi tập trung hàm lượng vitamin phong phú. Trong đó, hàm lượng vitamin A trong gan động vật vượt xa sữa, trứng, cá và thịt, có thể giúp giảm các triệu chứng như khô mắt, suy giảm thị lực.

Hàm lượng vitamin B và các nguyên tố vi lượng trong thận, lòng, mề của gia súc và gia cầm cũng cao hơn hẳn so với các nguồn thực phẩm khác.

3. Hàm lượng protein phong phú

Hàm lượng protein trong gan và mề tương đương với thịt nạc, là nguồn protein chất lượng và tương đối dồi dào. Ngoài ra, trong nội tạng động vật còn chứa hàm lượng kẽm, đồng, mangan và các nguyên tố vi lượng khác vô cùng phong phú.

Lưu ý:

Hàm lượng dinh dưỡng của các cơ quan nội tạng của mỗi loại gia súc, gia cầm là khác nhau.

Đối với nội tạng của lợn, trâu, bò và cừu: Hàm lượng protein trong gan của các loại động vật này là cao nhất. Các bộ phận khác như tim, thận, lòng, dạ dày thì lại rất giàu vitamin; đặc biệt là vitamin B trong gan, thận và tim cao hơn đáng kể so với thịt thông thường.

Đối với nội tạng của gà, vịt, ngan: Hàm lượng protein trong mề gia cầm là cao nhất, sau đó là gan.

Ngoài ra:

-  Hàm lượng vitamin A: gan bò, gan cừu > tim gà

- Hàm lượng sắt: gan vịt > gan lợn > gan gà

- Hàm lượng kẽm: Gan và mề rất giàu kẽm, gan lợn và gan bò có hàm lượng kẽm cao nhất.

- Hàm lượng cholesterol: Hàm lượng cholesterol trong gan động vật thường cao gấp 3 - 4 lần so với thịt nạc. Trong khi đó, thận có lượng cholesterol thấp hơn một chút và tim có lượng cholesterol tương đương với thịt thông thường.

Nguyên tắc ăn nội tạng động vật

1. Cách chọn nội tạng tươi ngon

Mọi người nên mua nội tạng có dấu chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở bán hàng uy tín, tuyệt đối không mua hoặc sử dụng nội tạng bị bệnh, ôi thiu.

- Khi chọn gan phải có màu nâu hoặc màu tím, tay chạm vào có tính đàn hồi, có cảm giác chắc tay và không có mùi lạ.

- Tim lợn tươi khi sờ vào phải có tính đàn hồi. Ấn tay vào quả tim sẽ có một chất dịch huyết hồng tươi chảy ra, không có dịch nhầy và không có mùi lạ.

- Lòng lợn tươi có màu hồng nhạt, bên ngoài có một màng mỏng, sáng bóng, có độ chắc, có tính đàn hồi, không biến sắc và không có mùi lạ.

- Dạ dày tươi có màu trắng hoặc vàng nhạt, có độ dày, tính đàn hồi, chất dịch nhiều, trong lòng dạ dày không có phần cứng hoặc hạt cứng.

2. Sơ chế

Sau khi mua, hãy rửa thật sạch nội tạng động vật bằng muối hoặc trần sơ với nước sôi trước khi nấu, có thể cắt thành từng miếng nhỏ để chế biến thành món ăn.

3. Ăn kèm rau củ quả

Khi ăn các loại nội tạng động vật mọi người nên chế biến kèm với các loại rau củ quả giàu vitamin C và chất xơ như cần tây, giá đỗ, hành tây, hẹ, cà rốt,… để cân bằng và bổ sung dinh dưỡng cũng như hỗ trợ giảm hấp thu cholesterol có trong nội tạng động vật.

4. Tần suất và lượng hấp thụ 

Vì nội tạng động vật giàu dinh dưỡng, nên mọi người cần chú ý tần suất và liều lượng hấp thụ. Đối với người trưởng thành có sức khỏe bình thường, chỉ nên ăn các món từ nội tạng động vật tối đa từ 2-3 lần trong 1 tuần, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 50-70g. Đối với trẻ nhỏ thì chỉ nên ăn 1-2 lần/ tuần và mỗi lần chỉ dùng từ 30-50g.

5. Nhóm bệnh nhân cần lưu ý khi sử dụng nội tạng động vật

- Gan và thận có chứa hàm lượng cholesterol cao vì vậy bệnh nhân bị tăng mỡ máu, bệnh tim mạch, bệnh béo phì hoặc người cao tuổi nên hạn chế ăn nội tạng động vật.

-  Nội tạng động vật nói chung có hàm lượng purin cao vì vậy những bệnh nhân mắc bệnh gout cũng nên hạn chế ăn nhiều.

Nguồn: Aboluowang

Ăn nội tạng động vật có hại sức khỏe không? 5 nguyên tắc giúp ăn nội tạng an toàn - Ảnh 1.
https://soha.vn/an-noi-tang-dong-vat-co-hai-suc-khoe-5-nguyen-tac-vang-khi-an-ai-cung-can-biet-20220311173133681.htm

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/an-noi-tang-dong-vat-co-hai-suc-khoe-khong-5-nguyen-tac-giup-an-noi-tang-an-toan-a344.html