Đau bụng đi khám, người phụ nữ có hàng nghìn viên sỏi mật: Dấu hiệu cảnh báo là gì?

Nữ bệnh nhân đau quặn vùng bụng đi khám phát hiện có hàng nghìn viên sỏi trong túi mật.

Mới đây,Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã phẫu thuật cho bệnh nhân chứa hàng nghìn viên sỏi mật. Bệnh nhân nữ 73 tuổi đau bụng trong thời gian dài đã tới bệnh viện khám để tìm nguyên nhân.

Theo bác sĩ Trần Kiên Quyết - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh nhân được chẩn đoán sỏi túi mật gây viêm và có chỉ định phẫu thuật sớm. Kết quả ca phẫu thuật khiến các bác sĩ rất bất ngờ khi phát hiện hàng nghìn viên sỏi nhỏ chứa trong một túi mật có kích thước gần bằng một quả trứng ngỗng.

Sỏi mật xuất hiện do chuyển hoá, đầu tiên sỏi ở trong lòng túi mật sau đó sỏi di chuyển vào ống mật chủ và vì lý do nào đó không thể di chuyển tiếp sẽ tạo thành sỏi đường mật ngoài gan hoặc trong gan. Người bị sỏi mật sau khi can thiệp có nguy cơ tái phát hình thành sỏi cao. Vì khi can thiệp vào mật không tránh khỏi nhiễm trùng. Trường hợp xảy ra nhiễm trùng khiến cho thành đường mật không nhẵn là nguyên nhân dễ hình thành sỏi.

Đau bụng đi khám, người phụ nữ có hàng nghìn viên sỏi mật: Dấu hiệu cảnh báo là gì? - Ảnh 1.

Hàng nghìn viên sỏi mật của bệnh nhân được lấy ra, ảnh BSCC

Người mắc sỏi mật thường có triệu chứng như:

- Đau hạ sườn phải: Cơn đau thường xảy ra ở hạ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lan lên vai phải và ra sau lưng. Tính chất đau thường âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện.

- Sốt, ớn lạnh: Người bệnh sỏi mật có thể bị sốt, cảm lạnh do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật. Người bệnh thường sốt cao trên 38 độ C kèm cảm giác rét run, vã mồ hôi nhiều sau khi cơn sốt hạ xuống.

- Rối loạn tiêu hóa: Một số bệnh nhân sỏi mật gặp triệu chứng sợ đồ dầu mỡ, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu… Những triệu chứng này dễ nhầm sang một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đau dạ dày nên nhiều người áp dụng cách điều trị không phù hợp.

- Vàng da: Tùy vào tiến triển của sỏi mật mà mức độ vàng da của người bệnh khác nhau. Triệu chứng này thường kèm theo hiện tượng ngứa nhiều. Tuy nhiên, khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.

Người bệnh bị sỏi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp biến chứng như áp xe đường mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tuỵ cấp, viêm túi mật cấp, sốt, vàng da và đau bụng tăng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong (đặc biệt ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền) như sốc nhiễm trùng, viêm túi mật hoại tử, viêm phúc mạc mật...

Tỷ lệ bệnh sỏi mật vẫn còn rất cao tại Việt Nam do sỏi mật là căn bệnh mắc do thói quen ăn uống kém vệ sinh, ăn thức ăn sống có nhiễm trùng.

Hiện nay, bệnh lý sỏi túi mật ở người dân tăng do nhiều người có thói quen ăn thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh…

Để phòng ngừa sỏi mật, người dân cần chủ động xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đảm bảo vệ sinh, tăng cường vận động thể dục thể thao. Người mắc bệnh chuyển hoá cần kiểm soát tốt bệnh và chế độ ăn.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dau-bung-di-kham-nguoi-phu-nu-co-hang-nghin-vien-soi-mat-dau-hieu-canh-bao-la-gi-a34438.html