TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký - Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho hay trong suốt giấc ngủ ban đêm (thời gian ngủ trung bình từ 6-8 tiếng), cơ thể không được bổ sung lượng nước cần thiết. Do đó, khi ngủ dậy, mọi người thường cảm thấy khát. Lúc này, việc uống một ly nước ấm sẽ giúp tăng lưu thông máu, thư giãn cơ bắp hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng sau khi ngủ dậy, nếu chưa đánh răng, khoang miệng sẽ có nhiều vi khuẩn. Chính vì thế, uống nước lúc này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xuống đường tiêu hoá và gây hại cho sức khỏe.
Thế nhưng, theo TS.BS Sơn, việc uống nước ngay sau khi thức dậy mà chưa đánh răng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe vì dù đánh răng hay chưa thì trong khoang miệng vẫn có một số vi khuẩn nhất định.
TS.BS Sơn nhấn mạnh thêm, thói quen uống nước ngay sau khi thức dậy giúp kích thích sự di chuyển trong ruột dưới và giúp bạn đại tiện đều đặn hơn vào mỗi buổi sáng. Ngoài ra, uống nước vào thời điểm này cũng giúp cơ thể tỉnh táo, tái tạo năng lượng để bắt đầu cho một ngày mới.
Uống nước vào buổi sáng có nhiều lợi ích cho sức khoẻ (Ảnh: ST)
"Uống nước vào buổi sáng sau khi thức dậy mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với một số người có các rối loạn chức năng phổi, như thường xuyên tức ngực, khó thở, thở khò khè, tim đập nhanh, ho và có nhiều đờm, nghẹt mũi và chảy nước mũi, thì quá trình chuyển hóa nước cũng kém. Những đối tượng này không nên uống quá nhiều nước vào buổi sáng", TS.BS Sơn nói.
Theo chuyên gia, nhu cầu uống nước hàng ngày sẽ phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý. Lượng nước cần thiết đối với từng đối tượng sẽ khác nhau, cụ thể:
- Trẻ em dưới 10kg, với mỗi kg cân nặng sẽ cần 100ml nước/ngày, tương đương cần nạp vào cơ thể khoảng 1 lít nước/ngày.
- Trẻ từ 10 - 20kg thì sẽ cần nạp vào cơ thể mỗi cân nặng tăng thêm sau 10kg là 50ml nước/kg, khi trẻ được 20kg thì một ngày cần 1,5 lít nước.
- Trẻ từ 20 - 40kg, mỗi kg tăng thêm sau 20kg cần 20ml nước/kg; khi trẻ được 40kg thì cần nạp vào cơ thể khoảng 1,9 lít nước/ngày.
- Với người trưởng thành có cân nặng 40 - 60kg, cần nạp vào người 40ml nước/kg/người/ngày, tức là cần 1,6 lít tới 2,4 lít nước/ngày.
- Người cao tuổi khỏe mạnh (từ 60 tuổi trở lên) sẽ cần lượng nước thấp hơn người trưởng thành. Người cao tuổi cần khoảng 30ml nước/kg/người/ngày. Đối với người có bệnh lý, việc uống nước cần phải cẩn trọng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài uống nước lọc, bạn có thể kết hợp với uống các loại nước trái cây để tăng cường vi khoáng, chất oxy hoá cho cơ thể. Dù nước trái cây tốt cho sức khoẻ nhưng không thể thay thế được nước lọc. Vì nếu uống quá nhiều nước trái cây sẽ gây ra thừa đường trong cơ thể.
TS.BS Sơn lưu ý trong suốt một ngày làm việc, cần phải bổ sung đủ nước cho cơ thể. Với người hoạt động thể lực cao, lao động ngoài trời có thể bị mất nước nhiều thì cần được bổ sung nước điện giải sẽ giúp cơ thể cân bằng lượng nước, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Không giống như nước thông thường, nước điện giải có nhiều tác dụng có lợi cho cơ thể nhưng tác hại của nước điện giải cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe. Người dùng có thể gặp một số tác dụng phụ, đặc biệt là khi uống nước có độ kiềm cao hay cơ thể chưa từng uống nước điện giải trước đó. Tính kiềm quá cao còn có thể ức chế các vi khuẩn có lợi và làm hỏng các axit tự nhiên trong dạ dày. Ngoài ra, độ kiềm trong cơ thể quá cao rất có thể gây ra các bệnh lý ở đường tiêu hóa và da.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/sang-ngu-day-uong-nuoc-truoc-khi-danh-rang-co-tot-cho-suc-khoe-khong-a38386.html