Bí xanh: Loại quả quen thuộc bổ dưỡng ít ai ngờ; người mắc những bệnh này không nên ăn

Bí xanh từ hạt tới quả, vỏ, lá, hoa đều có thể làm thuốc và là món canh vừa ngon, vừa mát ngày hè. Dù bí xanh tốt cho sức khỏe nhưng nên ăn với lượng như thế nào và ai cần hạn chế ăn bí xanh thì không phải ai cũng biết.

1. Thành phần dinh dưỡng của bí xanh

Cứ 100 g bí xanh (bí đao) có 0,4 g protid, 2,4 g glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C...

2. Tác dụng của bí xanh

Trong bí xanh tươi có chứa hàm lượng nước là 67,9%, protid là 0,1%, lipid là 0,1%, cellulos là 0,7%, dẫn xuất không protein là 30,5%, khoáng toàn phần là 0,1%. Trong bí xanh cũng chứa hàm lượng khoáng chất khá cao. Cụ thể, cứ mỗi 100g bí xanh chứa calcium 26mg, phosphor 23mg, sắt 0,3mg.

Bí xanh cũng chứa nhiều loại vitamin như vitamin caroten 0,01mg, vitamin B1 0,01mg, vitamin B2 0,02mg, vitamin PP 0,03mg và vitamin C 16mg; các chất khác như β-sitosterol, β-sitosterol acetat, lupeol và lupeol acetat.

Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng natri trong bí xanh rất thấp nên có tác dụng trị liệu cho những người mắc các chứng bệnh như: Xơ cứng động mạch, đái tháo đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng, bệnh tăng huyết áp và béo phì.

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 1.

Bí xanh hay còn gọi là bí đao

2.1 Tác dụng của thịt bí xanh

Thịt bí xanh hỗ trợ giảm cân và phòng chống béo phì

Ăn thịt quả bí xanh giúp giảm cân và phòng chống béo phì. Trong thành phần thịt bí xanh là nước và chất xơ, không có chất béo nên ăn bí xanh có thể giữ cảm giác no lâu mà không chứa nhiều năng lượng.

Ngoài ra, hợp chất hyterin-caperin không cho đường trong bí đao ngăn chặn cơ thể chuyển hóa thành mỡ tích trữ giúp cơ thể hạn chế việc tích lũy mỡ dư thừa.

Thịt bí xanh giúp thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể

Theo ghi chép từ các sách của y học cổ truyền, trái bí xanh có vị ngọt nhạt, có tính mát, có tác dụng tốt trong việc giúp giải nhiệt cho cơ thể, làm mát ruột, tiêu phù, lợi tiểu.

Ăn bí xanh cải thiện thị lực

Bí xanh có nhiều vitamin B2 làm giảm stress oxy hóa ở võng mạc, đồng thời góp phần giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng của mắt.

Ăn bí xanh tốt cho hệ miễn dịch

Vitamin C có tác dụng hỗ trợ kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu, ức chế sự tác động của các gốc tự do, giúp hệ miễn dịch được tốt hơn. Vitamin C trong bí xanh cung cấp đến 19% lượng nhu cầu vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày trong một khẩu phần ăn.

Ăn bí xanh tốt cho tim mạch

Trong bí xanh chứa rất nhiều kali. Kali có khả năng làm giãn mạch cũng như giảm sự căng thẳng trên mạch máu và động mạch, giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tim mạch như đột quỵ và đau thắt cơ tim.

Ăn bí xanh tốt cho hệ tiêu hóa

Bí xanh chứa chất xơ dạng sợi, có lợi cho đường ruột. Bí đao cũng hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như táo bón, đau dạ dày, chướng bụng…

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 2.

Hạt bí xanh có nhiều tác dụng với sức khỏe

2.2 Tác dụng của hạt bí xanh

Hạt bí xanh có giá trị dinh dưỡng cao và là nguồn vitamin tuyệt vời như vitamin B1, vitamin C và beta carotene.

Hạt bí xanh giúp giảm triệu chứng trầm cảm

Hạt bí xanh chứa L-tryptophan. L-tryptophan – là một axit amin tốt cho người trầm cảm.

Hạt bí xanh giúp ngủ ngon

Hạt bí đao chứa tryptophan. Tryptophan khi vào cơ thể được chuyển đổi thành một loại thuốc ngủ tự nhiên, giúp ngủ ngon.

Hạt bí xanh tốt cho da

Hạt bí đao cung cấp vitamin E chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi các gốc tự do.

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 3.

Hoa bí xanh vừa là vị thuốc vừa là món ăn.

2.3 Tác dụng của lá và hoa bí xanh

Lá bí xanh giã nát xào với dấm dùng bó hỗ trợ trị chín mé.

Hoa bí xanh hãm trà uống giúp phụ nữ có thai ổn định tinh thần, giải tỏa stress.

2.4 Một số bài thuốc từ vỏ bí xanh

Bài thuốc từ vỏ bí đao hỗ trợ điều trị mụn nhọt ngoài da: Vỏ bí đao 20g, hoa cúc vàng 15g, thược dược đỏ 12g, mật ong một ít. Nấu lấy nước uống thay trà, mỗi ngày 1 lần, dùng liên tiếp 7 ngày.

Vỏ bí xanh thanh nhiệt giải độc, cầm máu: vỏ bí đao, đậu đỏ, mỗi thứ lượng thích hợp. Sao sơ, đổ nước vào nấu uống thay trà.

Vỏ bí xanh hỗ trợ điều trị chứng ho: vỏ bí đao 15g, mật ong một ít. Chưng nóng ăn, mỗi ngày 2 lần.

Vỏ bí xanh hỗ trợ điều trị viêm tuyến tiền liệt, tiểu nhiều lần: vỏ bí đao 50g, đậu tằm 60g, nước 3 bát. Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi cùng với 3 bát nước, sắc còn 1 bát, bỏ bã dùng uống (nếu người bệnh dị ứng với đậu tằm thì không dùng bài thuốc này).

3. Ai nên hạn chế sử dụng bí xanh? 

BS. Nguyễn Phan Trúc Nguyên

Bí xanh có vị ngọt tính mát, không dùng cho những người tì vị hư hàn hay lạnh bụng tiêu chảy. Người cảm lạnh ho đờm loãng nếu dùng cho thêm gia vị cay ấm như gừng hành tiêu. Không dùng cho người mắc chứng tâm dương hư gặp lạnh hay hồi hộp (tâm quý). Người bị dị ứng mẩn ngứa khi gặp gió lạnh (biểu hàn) cũng không nên dùng.

Mặc dù bí xanh rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều bí xanh. Không nên xay sinh tố bí xanh để uống sống. Nếu bạn thường xuyên ăn sống hoặc xay như sinh tố để làm đẹp da thì không nên bởi bí xanh có tính chất xà phòng. Tính xà phòng của bí xanh sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa.

Những người bị bệnh lý dạ dày (đau dạ dày) không nên dùng bí xanh.

Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều bí xanh. Đối với trẻ em và sản phụ vừa mới sinh xong, hệ tiêu hóa còn yếu nhất là vào mùa đông thì không nên ăn nhiều bí xanh vì bí xanh tính hàn, có thể gây khó tiêu.

4. Cách chế biến các món canh từ bí xanh

Bí xanh có thể kết hợp cùng thịt gà, tôm, xương…. nấu canh rất mát, ngon nhất là vào mùa hè. Lưu ý, không ăn bí xanh cùng giấm. A xít trong giấm sẽ triệt tiêu các chất dinh dưỡng của bí xanh. Không nên ăn bí xanh cùng đậu đỏ vì bí xanh và đậu đỏ cùng lợi tiểu, làm tăng lượng nước tiểu đột ngột gây mất nước cho cơ thể.

Dưới đây là một số món canh bí xanh:

Bí xanh nấu canh cua

Bí xanh thái sợi, cua làm sạch giã lọc lấy thịt, hành, ngò gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 5.

Bí xanh nấu canh cua

Bí xanh nấu thịt gà

Thịt gà rửa sạch với nước, sau đó rửa lại với rượu trắng rồi lau khô, chặt thành khúc vừa ăn. Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch rồi thái lát dày.

Ướp sơ thịt gà với hạt nêm, đường, hành tím giã nát. Phi thơm tỏi, cho thịt gà vào xào săn. Cho nước vào đun sôi.

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 6.

Bí xanh nấu thịt gà

Bí xanh nấu tôm khô

Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch rồi thái lát vừa ăn. Hành lá thái nhỏ. Tôm khô ngâm nở mềm. Giã hơi dập rồi ướp với hạt nêm, muối, đường.

Phi thơm hành, cho tôm vào đảo đều. Tiếp đến cho bí xanh vào đảo sơ qua. Cho nước đun sôi vào nấu chín, nêm lại gia vị vừa ăn là được.

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 7.

Bí xanh nấu tôm khô

Bí xanh nấu canh ngao: bí xanh, thịt ngao, hành, rau ngò, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

Bí xanh nấu canh cùng thịt vịt: bí xanh, thịt vịt, hành, ngò gia vị vừa đủ nấu canh. Công dụng: trị suy nhược, đại tiểu tiện không thông, mồ hôi trộm, di tinh, miệng khô, khát, con gái ít kinh nguyệt.

Canh bí xanh nấu thịt

Phi thơm hành băm với một lượng nhỏ dầu ăn, sau đó bỏ thịt băm đã ướp gia vị vào đảo đều. Chờ thịt băm săn lại thì thêm lượng nước vừa đủ vào và nấu sôi lên. Nước sôi, bạn cho bí xanh và gừng vào nấu chín rồi tắt bếp. Nếm lại và bổ sung gia vị cho vừa ăn.

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 8.

Canh bí xanh nấu thịt

Canh bí xanh nấu đậu hũ

Bí xanh gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn.

Đậu hũ rửa sạch, cắt thành khúc hình vuông vừa ăn.

Bắc nồi lên bếp, cho vào khoảng 2 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng cho hành tím cắt lát vào, đảo đều đến khi hành chuyển sang màu nâu và tỏa hương thơm thì cho bí đao vào, đảo đều.

Sau 5 phút, bạn cho vào 400ml nước. Nấu khoảng 5 phút, bí dần chuyển sang màu vàng xanh và đã mềm thì bạn cho đậu hũ vào.

Bạn nấu tiếp 3 phút nữa, cho 1 muỗng cà phê tiêu vào, nêm nếm lại cho hợp khẩu vị gia đình bạn và tắt bếp.

Bí xanh ngon, bổ nhưng một số người cần hạn chế ăn - Ảnh 9.

Bí xanh nấu đậu hũ.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bi-xanh-loai-qua-quen-thuoc-bo-duong-it-ai-ngo-nguoi-mac-nhung-benh-nay-khong-nen-an-a3871.html