Nguyên nhân gây ra ung thư vú
Một trong những nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư vú là sự tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Điều này làm tăng sinh tế bào tuyến vú cả lành tính và ác tính, cũng như tăng khả năng đột biến gen.
Nồng độ estrogen có thể tăng do một số nguyên nhân như tuổi tác, bệnh lý, tiền sử gia đình, có kinh sớm, mãn kinh muộn, sử dụng liệu pháp hormone bổ sung estrogen thay thế để giảm các triệu chứng mãn kinh.
Giả thuyết về mối liên quan giữa đậu nành và ung thư vú
Trước đây, một vài nghiên cứu trên tế bào và trên chuột chỉ ra rằng đậu nành có thể kích thích tăng trưởng tế bào ung thư vú vì trong đậu nành có chứa isoflavone - một phytoestrogen hay còn gọi là estrogen thực vật.
Khi ăn đậu nành, các “thụ thể estrogen” (estrogen receptors) sẽ dễ dàng bắt lấy phytoestrogen vì estrogen thực vật và estrogen nội sinh có cấu tạo hoá học khá giống nhau. Có thể tưởng tượng estrogen giống như chiếc chìa khóa để gắn vào thụ thể estrogen là ổ khoá, gây rối loạn nội tiết và làm tăng sinh tế bào ung thư vú.
Sự thật về tin đồn đậu nành và ung thư vú
Đúng là sự tương đồng về mặt cấu tạo sẽ khiến các thụ thể estrogen nhầm lẫn và gắn kết với phytoestrogen. Tuy nhiên, việc gây rối loạn nội tiết và tăng sinh tế bào ung thư vú là điều chưa thể chắc chắn. Nghiên cứu trong ống nghiệm (in vitro) hay trên động vật (in vivo) là 2 loại nghiên cứu có mức độ tin cậy thấp nhất và chỉ có tác dụng phát triển giả thuyết.
Việc chỉ ra rằng có sự ảnh hưởng trên một nhóm tế bào khác xa với việc chứng minh nó có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, là tập hợp của hàng tỉ tế bào khác nhau.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên chuột chỉ thích hợp để kiểm tra tác động của những chất có khả năng gây độc. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra cơ thể chuột chuyển hóa isoflavone khác với cơ thể người. Do đó nghiên cứu trên động vật cũng không đủ mạnh để đi đến kết luận chính xác.
Các nghiên cứu trên người về liên quan giữa đậu nành và ung thư vú
Ngược lại với giả thuyết trên, đã có nhiều nghiên cứu trên người chỉ ra rằng việc tiêu thụ sản phẩm từ đậu nành mang lại lợi ích nhất định cho việc ngăn ngừa ung thư vú. Một nghiên cứu trên 21.852 phụ nữ Nhật Bản trong gần 10 năm đã cho thấy việc tiêu thụ thường xuyên súp miso và isoflavones có liên quan đến giảm nguy cơ bị ung thư vú. Như vậy, có thể khẳng định “đậu nành gây ung thư vú” hay “đậu nành tăng nguy cơ bị ung thư vú” là tin đồn và quan điểm sai lầm.
Bệnh nhân ung thư vú thì có nên ăn đậu nành hay không?
Đây cũng là một chủ đề thú vị, từng gây nhiều tranh cãi vì trong ung thư vú có dạng bệnh phụ thuộc hormone (khối u dương tính với cảm thụ thể estrogen và/hoặc progesteron) và nhiều người cho rằng không được ăn đậu nành. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì mọi thứ còn tùy thuộc vào liều lượng và tần suất sử dụng sản phẩm từ đậu nành, trong khi liên kết giữa phytoestrogen trong đậu nành với thụ thể estrogen là rất yếu.
Trên thực tế, có một số nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ đậu nành có tác dụng tốt hoặc không ảnh hưởng đáng kể lên diễn tiến bệnh ung thư vú.
Một nghiên cứu dạng phân tích tổng hợp công bố năm 2013 gộp kết quả của 5 nghiên cứu dạng thuần tập khác với hơn 11.000 bệnh nhân ung thư vú cho thấy việc tiêu thụ đậu nành mỗi ngày làm giảm nguy cơ tử vong cũng như tái phát.
Một phân tích sâu năm 2012 dựa trên ba nghiên cứu với hơn 9.500 bệnh nhân kết luận rằng, việc tiêu thụ ít nhất 10mg isoflavone từ đậu nành mỗi ngày không làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong vì ung thư nhưng có giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh.
Tóm lại,việc khuyến cáo không nên ăn một loại thực phẩm nào đó cần các bằng chứng khoa học có mức độ tin cậy đủ cao thì mới có kết luận chính xác.
Đậu nành là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ, chế biến được nhiều món ăn ngon, đây cũng là nguồn đạm phổ biến cho những người không muốn ăn thịt. Do đó, không có lý do gì phải từ bỏ đậu nành vì sợ bị ung thư.
Người bị ung thư vẫn có thể ăn đậu nành với hàm lượng vừa phải. Khi có vấn đề về sức khoẻ và những thắc mắc liên quan đến dinh dưỡng, bệnh lý, hãy trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ dinh dưỡng để nhận được lời khuyên đúng đắn, tránh việc đặt niềm tin không đúng chỗ làm giảm chất lượng cuộc sống và kết quả điều trị.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/thuc-hu-chuyen-benh-nhan-ung-thu-nen-kieng-an-dau-nanh-a39945.html