Uống 2 lít nước/ngày có phải quy chuẩn cho mọi người? Chuyên gia nói "chưa hẳn đúng"

Con người có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng khó có thể nhịn uống nước trong 1 ngày. Thiếu nước sẽ làm cho các chức năng điện giải trong cơ thể rối loạn.

Nước có vai trò rất quan trọng với cơ thể con người. Do vậy, trong một chế độ ăn uống khoa học, các chuyên gia luôn nhấn mạnh vai trò của việc uống đủ nước. Việc không uống đủ nước có thể gây ra các tác hại lâu dài như táo bón, giảm chức năng thận và sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trong mùa hè, việc bổ sung đủ nước hàng ngày là rất quan trọng. Ngoài uống nước lọc thông thường, nếu có hoạt động thể lực nhiều trong ngày hè thì mọi người nên bổ sung thêm nước điện giải để bù lại lượng nước và khoáng chất đã mất.

Vào mùa hè, lượng nước cơ thể mất đi khá nhiều, vì thế việc bổ sung nước là rất tốt. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng uống càng nhiều nước càng tốt cho sức khỏe, đây là một quan niệm rất sai lầm, theo chuyên gia.

Uống 2 lít nước/ngày có phải quy chuẩn cho mọi người? Chuyên gia nói chưa hẳn đúng - Ảnh 1.

Uống nước, ảnh minh hoạ.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo: "Uống nước quá nhiều cũng không tốt, nó sẽ tăng gánh nặng cho tim mạch và một số cơ quan nội tạng khác".

Chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không bổ sung nước thái quá mà cần tùy vào cân nặng, tuổi tác, thậm chí là bệnh lý đang gặp phải, mức độ hoạt động thể lực của mỗi người...

"Chúng ta vẫn thường nghe rất quen tai nên uống đủ 2 lít/ ngày. Đây là một con số chung khi chúng ta truyền thông để nâng cao nhận thức uống đủ nước. Hiện nay, chúng ta có nhiều thông tin hơn thì cần phải hiểu là mỗi người cần một lượng nước khác nhau, phụ thuộc vào cân nặng, bệnh lý của mỗi người, tuổi tác ra sao.

Với người trưởng thành được khuyến nghị uống 40ml/1kg cân nặng, như vậy người khoảng 40kg thì uống khoảng 1,6 lít; 50kg thì sẽ uống 2 lít; 60kg thì sẽ uống 2,4 lít. Còn với người cao tuổi thì lượng nước uống ít đi, có thể chỉ ở khoảng 30-35ml/1kg cân nặng. Bởi khi cao tuổi, các chức năng tim, gan, chuyển hóa nước cũng giảm đi", bac sĩ Hưng phân tích.

Theo bác sĩ Hưng. hiện nay rất nhiều người khuyên nhau uống "nước nọ, nước kia" và uống thật nhiều để thanh lọc, thải độc. Tuy nhiên, không phải cứ uống nước nhiều là tốt, một số nhóm người còn được khuyến cáo hạn chế uống nước. Ví dụ, ở người có bệnh lý, việc uống nước cần phải có khuyến nghị cụ thể của bác sĩ tùy trường hợp.

Cụ thể, người có bệnh lý về thận, tim mạch, bị phù, cổ trướng... thì lượng nước uống cần có khuyến cáo cụ thể. Người này cần hạn chế nước để đỡ gây áp lực cho các bộ phận.

Còn theo Ths Lưu Liên Hương, Trung tâm nghiên cứu VIAM– Viện Y học ứng dụng Việt Nam uống nước muốn tốt cho sức khỏe cần lưu ý những điểm sau:

- Nên uống nước ấm vì uống nước lạnh sẽ gây ra những khó chịu đường tiêu hoá, chuột rút, thậm chí tiêu chảy.

- Nhiều người có thói quen uống nước ừng ực khi khát, đây không phải là cách uống nước tốt. Nên uống nước từ từ, lượng nhỏ, để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và có thời gian để thỏa mãn nhu cầu khát của cơ thể khi đang bị thiếu nước. Uống vội vàng vì có thể gây ra nấc cụt hoặc chướng bụng.

Ths Liên Hương cho biết thêm mọi người nên chủ động uống nước trước khi tham gia hoạt động ngoài trời để tránh tình trạng cơ thể mất nước; không nên đợi đến khi khát rồi mới uống nước vì lúc đó cơ thể đã rơi vào tình trạng mất nước nhẹ.


https://soha.vn/uong-2-lit-nuoc-ngay-co-phai-quy-chuan-cho-moi-nguoi-chuyen-gia-noi-chua-han-dung-20220504152700399.htm

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/uong-2-lit-nuocngay-co-phai-quy-chuan-cho-moi-nguoi-chuyen-gia-noi-chua-han-dung-a4065.html