Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, Trưởng khoa Nhi, Đại học Y Hà Nội, thời tiết những ngày gần đây chuyển từ hè sang thu, lúc nóng, lúc lạnh, khiến trẻ nhỏ rất dễ bị ốm.
Dinh dưỡng tốt trong những năm đầu đời là nền tảng quyết định cho sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không có chế độ ăn hợp lý sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, có thể dẫn tới rối loạn tiêu hoá, thậm chí tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho hay để trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần lưu ý vấn đề nhân đôi đề kháng, nhân đôi miễn dịch. Để làm được điều đó, chúng ta cần phối hợp rất nhiều yếu tố bên ngoài, bên trong. Trong đó, một trong những điều quan trọng nhất là từ dinh dưỡng, tăng cường đề kháng qua đường ăn uống.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy (ảnh PV)
Cụ thể, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, sữa mẹ có nhiều kháng thể.
Trên 6 tháng tuổi, cha mẹ cần cho trẻ ăn đa dạng hợp lý, cân bằng 4 nhóm thực phẩm chính: đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu, đỗ…); bột đường (gạo, bún, miến, mỳ…); chất béo (dầu, mỡ); ăn đủ các vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả…) để tăng sức đề kháng cho trẻ.
PGS Thuý khuyên cha mẹ nên chú ý tăng cường thịt bò, tôm, cua, ghẹ… là những thực phẩm giàu vi chất kẽm sắt; tăng cường cam, quýt, bưởi, các loại rau xanh... - nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C, E…
"Nhiều trẻ chỉ thích ăn rau, không thích ăn thịt cá, ngược lại có trẻ không ăn rau. Điều này là không nên. Chế độ ăn phải bền vững, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với đường ruột của trẻ. Khẩu phần không cung cấp đủ thì cần bổ sung vi chất như sắt kẽm", PGS Thuý cho biết.
Thiếu hụt miễn dịch khiến trẻ dễ mắc bệnh tật, khi bệnh có biểu hiện nặng hơn. Đặc biệt phải kể đến tình trạng "đói" vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ.
Nghiên cứu của cuộc điều tra dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS) cũng chỉ ra rằng bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất, điển hình là kẽm và sắt.
Một số biểu hiện cho thấy trẻ đang bị thiếu sắt, kẽm:
- Suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt.
- Da tái, da xanh, niêm mạc nhợt.
- Móng tay, móng chân mỏng.
- Lưỡi khô, dễ bị sưng viêm.
- Mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, học tập thiếu tập trung, dễ cáu gắt.
- Tóc mỏng giòn, dễ gãy, móng tay có những khía, hoặc vạch trắng.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Kém hấp thu, chậm tăng cân.
- Chậm phát triển chiều cao.
- Dễ mắc các bệnh về da như mẩn ngứa và dị ứng.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/pho-giao-su-nhi-khoa-chi-cach-cho-tre-an-dung-va-du-phong-benh-luc-giao-mua-a41626.html