Ngộ nhận sai về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Tại hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm do Bộ TT&TT phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức, Ths.Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Phó trưởng ban Kiểm soát Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế thông tin về thuốc lá mới: Những lầm tưởng, sự thật và một số vấn đề pháp lý liên quan.
“Có 3 ngộ nhận về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bao gồm: An toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống; là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ. Tất cả ngộ nhận này là sai”, bà Trang nói.
Bà Trang khẳng định, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường mà thị trường đang sử dụng, đang chấp nhận được kinh doanh và sử dụng hiện nay.
Tổ chức y tế thế giới khuyến nghị “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” và “không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”, bà Trang nêu dẫn chứng.
Cũng theo bà Trang, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường.
“Quỹ bảo hiểm y tế đang chi nhiều cho các bệnh có liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh ung thư, tim mạch chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí bảo hiểm y tế hiện nay. Người dân đang đóng góp bảo hiểm y tế để chi cho các bệnh mà lẽ ra có thể phòng, tránh được. Dùng chi phí đó để chi các bệnh mắc phải khác”, bà Trang nói và cho biết cần thiết phải phòng chống từ xa, từ sớm đối với các bệnh có nguyên nhân từ lối sống, hành vi.
Những bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư là ba nhóm bệnh điển hình và chi phí rất lớn, theo bà Trang người bệnh mắc các bệnh này thì “từ nghèo sẽ trở nên khánh kiệt”, “từ cận nghèo trở thành nghèo” chỉ trong một vài tháng.
Bà Trang một lần nữa nhấn mạnh thuốc lá điện tử cũng giống như thuốc lá điếu thông thường, sử dụng nhiều, thường xuyên sẽ mắc các bệnh mãn tính. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn có nhiều tác hại cấp tính với sức khỏe, có thể gây tử vong. Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận rất nhiều, đặc biệt ở Mỹ.
Theo bà Trang, các sản phẩm thuốc lá mới làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu ở giới trẻ, cản trở nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá. Bởi, các sản phẩm này tiếp cận chủ yếu đến người trẻ, chưa sử dụng thuốc lá bao giờ.
“Hình thức, dòng sản phẩm tiếp cận đối tượng tiềm năng, đối tượng mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá là trẻ em. Vì thế, làm tăng tỉ lệ sử dụng”, bà Trang nói.
“Các sản phẩm nhằm vào giới trẻ thể hiện ngay trên bao bì thiết kế của sản phẩm”, bà Trang nói và đưa ra minh chứng một sản phẩm trông như là hộp sữa, sản phẩm sữa. “Nên nếu nói thuốc lá điện tử không hướng đến giới trẻ thì đây là thông tin không chính xác của của ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra”, bà Trang chia sẻ.
Ngoài ra, trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, đóng gói như sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son, nhiều hương vị (1800 hương vị) có thể gây nghiện và giá rẻ.
Điều này cho thấy xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên, giảm độ tuổi bắt đầu hút, tăng tỉ lệ nữ hút thuốc lá tại Việt Nam, “nữ hóa” việc hút thuốc lá đây là một nguy cơ rất lớn.
Đề nghị cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới
Nói thêm về một số vấn đề pháp lý liên quan đến kiểm soát thuốc lá mới, bà Trang cho biết nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử và nung nóng. Đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. 5/10 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Về quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế, bà Trang cho hay, nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là "Không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe".
Từ năm 2020-2022 Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, kiến nghị Bộ Công Thương không đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá mới.
Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe; tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ;
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao, tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện Việt Nam: WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng;
Cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự;
Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
“Không cần thiết và không nên ban hành chính sách thí điểm đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bởi, đây là sản phẩm có hại chứ không có lợi ích cho Nhà nước, xã hội và người dân trong việc thí điểm”, bà Trang nêu quan điểm.
Theo bà Trang, việc thí điểm một sản phẩm gây nghiện và có hại sức khỏe sẽ gây ra nhiều hệ lụy, sau đó lại phải mất thêm nhiều nguồn lực để giải quyết hậu quả của việc thí điểm sẽ tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá do mở rộng nguồn cung cấp, tăng thêm các lựa chọn sản phẩm.
Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước…
Không phù hợp với xu hướng ngày càng tăng việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới của các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khẳng định nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị trái cây, bạc hà... là các sản phẩm nhắm đến người tiêu dùng là trẻ em. Bài học kinh nghiệm từ các nước đã cho phép lưu hành các sản phẩm thuốc lá mới đã gây ra những hệ lụy rất lớn đặc biệt đối với giới trẻ, từ sức khỏe, lối sống, hành vi và tệ nạn xã hội.
Xu hướng hiện nay là các nước đã cho phép sau một thời gian lại phải cấm trở lại do những hệ lụy của việc cho phép mang lại, ví dụ như ở Hoa Kỳ đã phải cấm sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị... FDA khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tỉ lệ sử dụng tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử và thực hiện các quy định bổ sung khác để giải quyết tình trạng gia tăng sử dụng của giới trẻ.
Do đó, bà Trang đề xuất cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá mới tại Việt Nam, chú trọng đến trẻ em, với sự phối hợp liên ngành.
Tăng cường và nỗ lực hơn trong phòng chống buôn lậu thuốc lá mới, kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng.
Cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha). Đề xuất Quốc hội ban hành Luật, Nghị quyết về chính sách cấm thuốc lá mới.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/giat-minh-thuoc-la-dien-tu-tra-hinh-len-loi-nham-den-gioi-tre-a41927.html