Tại Bệnh viện Quân y 175, tỉ lệ bệnh nhân đến khám vì tê bì tay chân dao động 5% - 10%. Đáng chú ý, bệnh nhân thường đến khám khi bệnh đã diễn tiến lâu ngày, gây các hậu quả khó khắc phụ như teo cơ và tổn thương thần kinh mạn tính.
Cản trở sinh hoạt hằng ngày
Trường hợp điển hình, Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân nam N.Đ.N (37 tuổi, ngụ Bình Phước). Anh N. đến khám trong tình trạng tê bì lòng bàn tay phải, sức nắm yếu, không thể tiếp tục công việc thường ngày. Anh N. làm nghề bán thịt, thường xuyên phải cầm dao chặt với lực mạnh bằng tay phải.
Tại bệnh viện, anh N. được thăm khám, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng bằng điện cơ. Kết quả, bác sĩ ghi nhận anh mắc hội chứng ống cổ tay, khiến chèn ép thần kinh giữa, nghiệm pháp Tinel dương tính.
Anh N. được điều trị nội khoa 2 tuần. Tuy nhiên, do tính chất công việc, không thể điều chỉnh lối sống, anh buộc phải được phẫu thuật. Các bác sĩ đã phải rạch bộc lộ ống cổ tay, cắt mạc giữ gân gấp các ngón, giải phóng thần kinh giữa trong ống cổ tay. Sau 6 tuần điều trị, bệnh nhân hết tê tay, lấy lại sức cầm nắm và quay lại sinh hoạt bình thường.
Cũng cơn tê bì tay chân, ông N.Q.M (48 tuổi, ngụ TP HCM) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng đau vùng cổ lan xuống 2 tay dẫn đến tê bì, khó cầm nắm khi vận động; đau vùng thắt lưng, mông dẫn đến sinh hoạt khó khăn. Ông đã đến bác sĩ khám, uống thuốc tây và tập vật lý trị liệu nhiều nơi nhưng không bớt đau.
Đến khi ông M. vào bệnh viện thăm khám, bác sĩ phát hiện ông bị mất cân bằng cơ thân trên, thân dưới và chi dưới. Ông đã được thực hiện tái tạo sự cân bằng cơ vùng thân trên, thân dưới, chi dưới, xoay khung chậu tái lập đường cong sinh lý cột sống thắt lưng. Sau quá trình điều trị, hiện tình trạng của ông cải thiện 95%, hết cơn đau lưng, tê bì tay chân và có thể sinh hoạt bình thường.
Tất cả các triệu chứng tê bì do bệnh lý thường có tính chất chung là kéo dài, gây yếu cơ và teo cơ. Do đó, bệnh nhân cần được khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để nhận biết sớm bệnh và được điều trị thích hợp.
Bác sĩ Hoàng Long, Khoa Chi trên - Bệnh viện Quân y 175, thăm khám cho bệnh nhân bị tê bì tay chân, phải điều trị nội trú. Ảnh: HẢI YẾN
Cần phân biệt bệnh lý và sinh lý
Tê bì tay chân có 2 dạng sinh lý và bệnh lý. Tê bì tay chân sinh lý xảy ra khi giữ tay hoặc chân ở một tư thế lâu, mạch máu bị chèn ép và thần kinh bị kéo căng. Triệu chứng đi kèm là cảm giác bị châm chích, kiến bò trên bề mặt da. Hiện tượng này sẽ mất đi sau vài phút thay đổi tư thế và đây cũng là dấu hiệu lành tính thường gặp.
Tê bì tay chân sinh lý cũng xảy ra ở sản phụ. Nguyên nhân là do tử cung chứa thai nhi to dần, gây chèn ép tĩnh mạch, khiến máu trở về tim khó hơn. Tình trạng này làm phù nề 2 chi dưới, ứ máu căng tức, cảm giác tê bì, nhất là khi đi hoặc đứng lâu. Dấu hiệu này sẽ giảm bớt khi nghỉ ngơi, kê cao chân và kết hợp với vài động tác mát-xa hỗ trợ máu về tim. Ngoài ra, người già hoặc trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi quá lạnh cũng làm các phần xa của chi giảm tưới máu nuôi, gây ra triệu chứng tê bì, châm chích. Hiện tượng này sẽ mất khi được sưởi ấm thích hợp.
Đối với tê bì tay chân bệnh lý, triệu chứng thường nặng nề hơn, gây khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là kéo dài dai dẳng. Do đó, cần phải có kiến thức nhận ra triệu chứng bệnh lý và hậu quả của bệnh để phát hiện từ sớm. Nếu kéo dài, các bệnh lý có thể để lại hậu quả, ảnh hưởng đến sinh hoạt, yếu cơ, teo cơ giai đoạn muộn.
Trường hợp nặng phải phẫu thuật
Nếu ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ cần giảm đau thần kinh, giảm viêm, điều chỉnh lối sống và vận động phù hợp. Với mức độ trung bình, cần tiêm thuốc kháng viêm vào bao khớp và điều trị nội khoa. Riêng trường hợp nặng hoặc không đáp ứng điều trị nội, bệnh nhân phải phẫu thuật nhằm giải phóng thần kinh.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dung-chu-quan-khi-te-bi-tay-chan-a42140.html