Nghỉ việc, cách ly cả nhà như thời COVID-19 vì đau mắt đỏ

Nhiều gia đình ở Hà Nội xin làm ở nhà, con cái nghỉ học cách ly như thời COVID-19 vì bị đau mắt đỏ.

Gần tuần nay anh Nguyễn Văn Sơn (35 tuổi) ở chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) phải xin nghỉ việc, quẩn quanh trong phòng cùng hai con không dám ra đường vì cả nhà đang bị đau mắt đỏ.

Đầu tuần trước anh Sơn nhận được thông báo của cô giáo chủ nhiệm lớp con gái về việc có học sinh đau mắt đỏ, cha mẹ để ý con, nếu có hiện tượng thì cho các em nghỉ học để phòng lây nhiễm. Ba ngày sau thông báo, con gái anh Sơn xuất hiện tình trạng mỏi, nhức, chảy nước mắt, sau đó mắt đỏ ngầu không thể mở nỗi. Anh liên hệ cô giáo xin nghỉ học, đồng thời báo cơ quan làm việc tại nhà để trông con.

Anh Sơn và con trai cũng xuất hiện tình trạng đau mắt. Mắt đỏ ngầu kèm đau nhức không mở ra nỗi, con trai anh liên tục khóc lóc khi mắt bị đau, dùng tay dụi mắt khiến tình trạng ngày càng nặng.

Nghỉ việc, cách ly cả nhà như thời COVID-19 vì đau mắt đỏ - Ảnh 1.

Nhiều trẻ bị đau mắt đỏ nhập viện. (Ảnh: BV Nhi Trung ương)

Anh Sơn chia sẻ từ ngày gia đình bị đau mắt đỏ, anh đóng cửa sinh hoạt trong nhà như thời COVID-19, vì tầng chung cư nhà rất nhiều trẻ em, anh sợ lây cho trẻ. Mấy ngày đầu còn khoẻ ra ngoài mua thuốc cho cả nhà, nhưng từ hôm bị lây mọi hoạt động của ba bố con đều hạn chế trong nhà. Hôm nào mệt không nấu được anh đặt đồ ăn online, có hôm nhờ hàng xóm mua hộ treo ngoài cửa.

Sau gần 2 tuần nhỏ thuốc liên tục mắt của anh Sơn dần ổn định và đi làm trở lại. Nghĩ lại việc ở trong nhà 13 ngày liên tục người đàn ông này vẫn còn ám ảnh, vừa bị bệnh hành hạ, lại buồn chán vì trẻ con không có chỗ chơi, không được đến lớp. Công việc của anh cũng bị định trệ vì chẳng thể mở nổi mắt để làm việc.

Cũng như anh Định, vợ chồng chị Nguyễn Quỳnh Mai (30 tuổi, ở Nam Từ Liêm) phải loay hoay 2 tuần trời thay nhau nghỉ làm ở nhà chăm sóc con bị đau mắt đỏ.

Chị Mai có cô con gái 4 tuổi, tên Na, đang học mầm non ở gần nhà khóc lóc liên tục khi bị đau mắt, mỗi sáng thức dậy ghèn bịt kín không mở nổi mắt càng làm con gái chị hoảng loạn, lấy tay cấu, dụi liên tục. Cách đây nửa tháng, một bạn cùng lớp con chị bị đau mắt đỏ.

Để trông chừng con mà không ảnh hưởng đến công việc của vợ chồng, chị Mai đưa phương án thay phiên nhau đi làm, người này đi làm thì người kia ở nhà trông con. Hôm nào ai bận công việc đột xuất thì vợ hoặc chồng sẽ phải xin nghỉ thêm để hỗ trợ. May mắn công việc của chị linh hoạt thời gian, công ty cũng thông cảm để vợ chồng có thời gian chăm con ốm.

“Con bé còn nhỏ, khi không mở được mắt thì rất sợ, cố dụi tay để mở mắt ra ", chị Mai chia sẻ tình trạng của bé Na ngày càng nặng hơn dù đã dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt.

Ngày thứ 3 con gái bị đau mắt đỏ không đỡ, chị Mai tiếp tục ra hiệu thuốc, được kê cho một lọ Tobrex. Tuy nhiên mắt con gái không những không thuyên giảm mà ngày càng sưng to. Lo sợ ảnh hưởng đến thị lực của con nên chị Mai đưa con đi viện thăm khám, được chẩn đoán loét giác mạc.

"Tôi có phen hú vía khi nghe bác sĩ nói con bị loét giác mạc, nhưng may mắn chỉ cần dùng thuốc chứ chưa phải can thiệp gì đến mắt" , chị Mai nói.

Người phụ nữ cho con về nhà tiếp tục nhỏ thuốc ở ngày thứ 5 thì mắt cô bé ổn định và khỏi hẳn ở ngày thứ 7, tuy nhiên đến lượt vợ chồng chị bị đau mắt. Chị Mai gửi con sang nhà bà ngoại nhờ ông bà chăm sóc, vợ chồng bắt đầu chuỗi ngày cách ly tại nhà để tránh lây cho đồng nghiệp ở cơ quan.

Nghỉ việc, cách ly cả nhà như thời COVID-19 vì đau mắt đỏ - Ảnh 2.

Nhiều trẻ bị đau mắt đỏ phải nhập viện vì bị loét giác mạc. (Ảnh: BVCC)

Một tuần có gần 400 ca đau mắt đỏ

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Mai Hương, khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hàng tuần ghi nhận 700 - 800 ca đến khám một tuần, quá nửa là bệnh nhân đau mắt đỏ. Tỷ lệ biến chứng 15-20%.

"Nhiều người tới khám đau mắt đỏ đã xảy ra biến chứng như ổ loét giác mạc ở các mức độ khác nhau, xuất hiện giả mạc do điều trị và chăm sóc không đúng cách", bác sĩ Hương nói.

Nhiều cha mẹ khi con bị đau mắt đỏ dùng thuốc đến ngày thứ 5 thấy đỡ, không đỏ thì bỏ thuốc. Hai ngày sau, mắt mờ hơn khiến việc điều trị khó hơn. Việc bỏ thuốc giữa chừng làm virus bùng trở lại làm cho người bệnh trở nặng hơn. Có bà mẹ dùng một chiếc khăn tay thấm dịch tiết từ mắt đau rất mất vệ sinh, là nguy cơ gây thêm bội nhiễm, hoặc tự ý mua thuốc tra cho trẻ thuốc.

"Chúng ta thường gặp nhất là cha mẹ ra hiệu thuốc và được kê tra Tobrex tra mắt cho trẻ. Điều này rất nguy hiểm, bởi với trẻ con Tobrex rất nặng, không làm bệnh giảm mà trầm trọng hơn ", bác sĩ Hương thông tin.

Theo vị chuyên gia, khi trẻ bị đau mắt đỏ bố mẹ nên cho con đi thăm khám để được tư vấn, chỉ định điều trị phù hợp, tránh biến chứng đáng tiếc. Bác sĩ đưa ra một số lưu ý trong phòng và điều trị đau mắt đỏ:

- Người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây cho người khác.

- Sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung phải rửa tay bằng xà phòng trước. Sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.

- Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người.

- Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng. Nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Ngoài ra nước muối tự pha còn thường có lẫn những tạp chất có hại cho mắt.

- Không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng. Các phòng khám cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nghi-viec-cach-ly-ca-nha-nhu-thoi-covid-19-vi-dau-mat-do-a42234.html