Nguy hiểm khi chuyển tuyến bệnh nhi tay chân miệng

Do thiếu thuốc, nhiều ca tay chân miệng nặng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển tuyến lên TP HCM. Các bác sĩ lo ngại sức khỏe, tính mạng bệnh nhi không bảo đảm bởi với các ca diễn tiến nặng, thời gian điều trị tính bằng phút

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện nay số ca mắc tay chân miệng mới có dấu hiệu giảm so với tháng trước nhưng trong vòng 1 tuần trở lại đây, số ca nặng tăng.

Nhiều ca phải thở máy

Bác sĩ Nguyên thông tin Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị 10 trẻ mắc tay chân miệng độ nặng. Trong đó có 3 ca lọc máu, 7 ca thở máy. Đáng chú ý, các ca nặng nhập viện chủ yếu đến từ các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang…

"Những trường hợp chuyển đến bệnh viện đều trong tình trạng nặng. Tất cả 10 ca tay chân miệng độ nặng đều tập trung tại khu vực ĐBSCL. Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ và TP HCM, qua số liệu cho thấy số ca nặng có xu hướng giảm" - PGS Nguyên thông tin.

Nguy hiểm khi chuyển tuyến bệnh nhi tay chân miệng - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM .Ảnh: HẢI YẾN

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), số lượng bệnh tay chân miệng giảm rõ rệt. Cách đây khoảng 1 tháng số lượng tay chân miệng mắc mới nhập viện khoảng 20-30 ca. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 10 ca nhập viện/ ngày. Số ca nặng cũng giảm so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao.

ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho 54 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 6 ca thở máy, 2 ca thực hiện tuần hoàn tim phổi nhân tạo (ECMO).

Nguồn thuốc chưa kịp nhập về

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhi tay chân miệng độ nặng chuyển đến từ miền Tây do thiếu thuốc điều trị.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của vùng ĐBSCL nên thường tiếp nhận bệnh nhi mắc tay chân miệng mức độ nặng ở Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực. Vừa qua, có 1 trường hợp trẻ diễn biến nặng dẫn đến tử vong.

BS Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết hiện số ca mắc tay chân miệng trong khu vực còn cao. "Đối với trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng phải chuyển viện lên TP HCM là do nguồn thuốc điều trị chưa nhập về kịp nên không cung ứng đủ khi dịch bệnh bùng phát. Nếu có thuốc thì sẽ điều trị cho các ca nặng chứ không cần chuyển đi" - ông Thanh giải thích.

Theo PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, bệnh tay chân miệng khi đã rơi vào độ nặng phải điều trị tại chỗ. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Hồi sức Nhiễm, Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhi đồng 1 đều hỗ trợ hướng dẫn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến dưới để kịp thời điều trị bệnh tay chân miệng. "Nhân viên y tế của tuyến dưới hoàn toàn có khả năng điều trị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, trẻ diễn tiến nặng nhanh khiến bác sĩ trở tay không kịp" - bác sĩ Nguyên nhìn nhận.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui nói thêm bệnh tay chân miệng diễn tiến xấu nhanh, được tính bằng phút. Do đó, nếu quãng đường chuyển bệnh quá xa thì các bác sĩ tuyến dưới cần chuyển viện sớm để kịp thời điều trị.

Khẳng định số ca tay chân miệng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị không tạo áp lực cho đơn vị này nhưng bác sĩ Nguyên cho rằng điều quan trọng là sức khỏe, tính mạng bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm. "Với quãng đường di chuyển xa khiến cho tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn. Bởi tay chân miệng diễn tiến xấu rất nhanh. Bệnh nhân có thể suy tim, suy hô hấp và tử vong trong quá trình chuyển viện" - bác sĩ Nguyên lý giải.

Với các ca tay chân miệng nặng, trong tình trạng không có thuốc điều trị thì có thể áp dụng phương án thay thế tạm thời như lọc máu, thở máy. Tuy nhiên, còn tùy vào mức độ nặng của từng trường hợp. "Do đó, tốt nhất là nên có thuốc. Khi có đầy đủ thuốc men, dụng cụ, thiết bị y tế sẽ giúp cho cả bác sĩ lẫn người thân bệnh nhân yên tâm" - PGS Nguyên bày tỏ.

Cảnh giác với những ca không có triệu chứng

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui nhấn mạnh dù số ca mắc tay chân miệng thời điểm này có giảm nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan, lơ là. Đặc biệt, những ca bệnh triệu chứng không điển hình, khó nhận biết qua cảm quan bên ngoài thì sẽ dễ diễn tiến nặng.

"Thông thường, trẻ mắc tay chân miệng sẽ có các nốt hồng ban ở tay chân, vết loét trong miệng… Tuy nhiên, có những trường hợp triệu chứng không điển hình, không xuất hiện những dấu hiệu trên khiến cha mẹ khó nhận biết. Do đó, để kịp thời phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ cần chú ý nếu trẻ sốt cao liên tục không hạ, ngủ giật mình, run chi, đi đứng loạng choạng thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời" - BS Qui khuyến cáo.

L.Anh

1 tuần, 45.000 ca mắc tay chân miệng

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 81.000 ca mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, cả số mắc bệnh và số ca tử vong đều tăng.

Riêng trong tuần gần đây nhất, cả nước ghi nhận gần 4.500 trường hợp mắc tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2022 số ca mắc chân tay miệng tăng 68,6%, số ca tử vong tăng 18 trường hợp.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71 gia tăng. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Vì vậy đã dẫn đến các ca mắc bệnh diễn biến nặng nhiều hơn so với những năm trước đây.

Bộ Y tế khuyến cáo các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện những trường hợp mắc tay chân miệng và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và triển khai việc phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.

Các bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh nhiệt đới TP HCM tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.

N.Dung

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nguy-hiem-khi-chuyen-tuyen-benh-nhi-tay-chan-mieng-a42299.html