Nghẹt mũi là triệu chứng liên quan đến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng... mặc dù không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh. Điều này khiến mọi người tìm nhiều cách để khắc phục triệu chứng, trong đó mẹo thông mũi bằng cách bấm xoang trên Tiktok đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Vậy thực hư mẹo chữa nghẹt mũi này như thế nào? Mẹo thông mũi này có an toàn hay không?
1. Mẹo chữa nghẹt mũi bằng cách bấm huyệt xoang thực hiện như thế nào?
Theo các video trên Tiktok, mẹo giúp thông mũi này được thực hiện bằng cách: đặt hai ngón tay phải lên bên trái mũi và ấn vào bên phải. Dùng ngón tay cái của bàn tay trái ấn vào vùng má ở bên trái mũi từ trong ra ngoài. Giữ tư thế này trong 15 giây và hít thở sâu để thông mũi và lặp lại ở phía bên kia nếu cần.
Ảnh cắt từ video của Tiến sĩ Justin Lewis - Bác sĩ chỉnh hình NYC (Tiktok)
Vậy phương pháp này có hiệu quả không?
Theo một số người đã được học kỹ thuật này trong trường dạy mát-xa, họ nói rằng: phương pháp này sử dụng áp lực tự xoa bóp để giảm áp lực xoang. Khi bạn bị áp lực và đau xoang, các xoang và cơ ngay cạnh mũi có thể trở nên mềm và căng. Bằng cách xoa bóp những điểm này sẽ giúp mang lại nhiều lưu lượng máu và tuần hoàn đến mặt hơn. Điều này cho phép các cơ/xoang giải phóng, thúc đẩy xoang tiết ra chất nhầy.
Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về bấm huyệt xoang để giảm nghẹt mũi. Việc thử lời khuyên của TikTok có thể an toàn, miễn là bạn không tạo quá nhiều áp lực khi thực hiện mẹo chữa này, nhưng phương pháp này cũng có thể không hiệu quả về lâu dài.
Theo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (ENT) Jacqueline Jones, M.D cho biết: "Một phần máu cung cấp cho mũi đến từ các mạch nhỏ đi vào thành bên của mũi từ má. Bằng cách ấn vào các mạch và dây thần kinh này, bạn có thể có những thay đổi tạm thời trong lưu lượng máu, điều này có thể cải thiện tình trạng nghẹt mũi một cách tạm thời".
Nhưng để điều trị nghẹt mũi hiệu quả và chấm dứt hoàn toàn, bạn nên tìm hiểu và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
2. Nguyên nhân gây nghẹt mũi
Nghẹt mũi là tình trạng xảy ra khi mũi, các mô và mạch máu lân cận khác sưng lên với chất lỏng dư thừa, gây viêm, kích ứng và khiến xoang của bạn cảm thấy bị tắc.
Các bệnh nhẹ là nguyên nhân phổ biến nhất gây nghẹt mũi. Ví dụ, cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng xoang đều có thể gây nghẹt mũi. Tình trạng nghẹt mũi liên quan đến các bệnh lý hô hấp này thường cải thiện trong vòng 1 đến 2 tuần.
Nếu tình trạng này kéo dài hơn 10 đến 14 ngày thì đó thường là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như:
- Dị ứng
- Polyp mũi hoặc khối u lành tính trong đường mũi
- Khối u xoang, mặc dù tình trạng này hiếm gặp
- Phơi nhiễm hóa chất
- Tiếp xúc với các chất kích thích trong môi trường
- Viêm xoang mãn tính
- Viêm V.A
- Trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt ở trẻ sơ sinh
Nghẹt mũi do nhiều nguyên nhân gây ra (Ảnh: Internet)
3. Điều trị nghẹt mũi như thế nào?
Để điều trị tình trạng nghẹt mũi thì cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Đối với các nguyên nhân do nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ như cúm, cảm lạnh, covid-19, viêm xoang... một số biện pháp dưới đây sẽ giúp khắc phục tình trạng nghẹt mũi hiệu quả:
- Rửa mũi
Sử dụng bình rửa mũi như neti pot có tác dụng làm mềm chất nhầy và đưa chất nhầy ra khỏi khoang mũi cùng với những tác nhân gây kích ứng mũi hoặc virus, vi khuẩn gây bệnh. Mỗi ngày bạn nên rửa mũi ít nhất là một lần.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm
Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy xông hơi giúp làm loãng chất nhầy, từ đó giúp đẩy chất nhầy ra khỏi mũi một cách dễ dàng hơn và khắc phục tình trạng nghẹt mũi một cách hiệu quả.
- Uống nhiều nước
Uống nhiều nước giúp tăng mức độ hydrat hóa, giúp làm loãng chất nhầy trong đường mũi. Điều đó sẽ giúp bạn xì mũi dễ dàng hơn. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép, canh...
- Xông hơi
Xông hơi sẽ giúp làm loãng chất nhầy và giúp mũi thông thoáng hơn. Mọi người có thể xông hơi với xả, gừng, bạc hà... nhưng không nên lạm dụng phương pháp này vì có thể gây hại cho niêm mạc mũi.
- Sử dụng thuốc
Các loại thuốc dùng để điều trị nghẹt mũi bao gồm:
+ Thuốc kháng histamine đường uống để điều trị dị ứng, chẳng hạn như loratadine (Claritin) và cetirizine (Zyrtec)
+ Thuốc xịt mũi có chứa thuốc kháng histamine, chẳng hạn như azelastine (Astelin, Astepro)
+ Steroid mũi, bao gồm budesonide (Rhinocort), fluticasone (Flonase) hoặc triamcinolone (Nasacort)
+ Thuốc thông mũi không kê đơn hoặc theo toa, bao gồm thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ hoặc thuốc viên
Hãy nhớ rằng không nên sử dụng một số loại thuốc xịt thông mũi nhất định, chẳng hạn như Afrin trong hơn 3 ngày liên tục, vì nó có thể khiến tình trạng nghẹt mũi tái phát hoặc trầm trọng hơn. Điều quan trọng là bạn nên sử dụng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ, nhất là các loại thuốc sử dụng khi cần được kê đơn.
Đối với tình trạng nghẹt mũi do một số nguyên nhân như khối u, polyp thì người bệnh cần đến bệnh viện để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Rửa mũi giúp làm sạch chất nhầy cũng như các tác nhân gây dị ứng trong mũi (Ảnh: Internet)
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đôi khi, các biện pháp điều trị tại nhà không đủ để giảm nghẹt mũi, đặc biệt nếu các triệu chứng của bạn là do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng gây ra. Trong trường hợp này, bạn cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị, đặc biệt nếu tình trạng nghẹt mũi gây đau đớn và cản trở các hoạt động hàng ngày.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ các vấn đề nào sau đây, bạn hãy đi khám bác sĩ ngay:
- Nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần.
- Nghẹt mũi kèm theo sốt cao kéo dài hơn 3 ngày.
- Nước mũi xanh kèm theo đau xoang và sốt.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu, hen suyễn hoặc khí thũng.
Trên đây là những thông tin về phương pháp chữa nghẹt mũi bằng cách bấm huyệt xoang theo Tiktok. Nếu có thêm bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và áp dụng theo lời khuyên của bác sĩ.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/chua-nghet-mui-bang-cach-bam-huyet-xoang-theo-tiktok-dung-hay-sai-a42482.html