Vụ nghi ngộ độc bánh su kem khiến 50 người bị ngộ độc, 1 trẻ em 6 tuổi ngụ tại TP HCM tử vong, khiến dư luận lo lắng về những mối nguy mất an toàn thực phẩm xung quanh. Đáng chú ý, bánh su kem trong vụ việc được cung cấp bởi một thương hiệu lớn, lâu đời là Givral. Trước đó, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cơ sở bánh mì Phượng ở Hội An (Quảng Nam) - thương hiệu nổi tiếng với khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc Viet Franchise và Công ty Tư vấn FnB Director, chuyên gia về kinh doanh ẩm thực - cho rằng vấn đề hiểu và thực hành an toàn thực phẩm tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. "Các chuỗi kinh doanh thực phẩm thường đáp ứng an toàn thực phẩm tốt hơn cửa hàng lẻ, các điểm tự phát nhưng gần đây có hiện tượng giảm tiêu chuẩn do vấn đề cạnh tranh về giá với thực phẩm đường phố" - ông Thanh nhận xét.
Về góc độ người tiêu dùng, theo quan sát của chuyên gia Đỗ Duy Thanh, nhiều người mua thực phẩm về hay để lung tung, không chú ý điều kiện bảo quản. "Nhiều người tự tin quá đà vào tủ lạnh nên dễ dẫn tới ngộ độc. Ngay cả khi mua thực phẩm, nhiều người quan tâm giá cả hơn là an toàn" - ông Thanh nhận xét.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, sức khỏe và an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng nhưng lại có sự sụt giảm so với trước bởi thêm các mối lo khác về thu nhập, chi phí gia tăng và việc làm. Cụ thể, trong quý IV/2022, khảo sát có 53% hộ gia đình quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm thì quý II/2023 chỉ còn 45%.
Bà Bùi Thị Minh Thủy - chuyên gia về dinh dưỡng, giảng dạy tại nhiều trường đại học - cho biết mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở nhiều khâu, từ nguyên liệu đến cách chế biến, điều kiện vệ sinh nơi chế biến, vận chuyển, bảo quản…
Một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) hồi tháng 5-2023Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
"Gần đây nổi lên xu hướng thực phẩm không dùng chất bảo quản cũng làm cho vấn đề bảo quản thực phẩm khó khăn hơn. Chất bảo quản nếu dùng đúng loại, đúng liều thì vẫn an toàn. Chỉ lo chất bảo quản sử dụng quá liều hoặc chất bảo quản bị cấm. Đường và muối cũng là chất có tác dụng bảo quản thực phẩm, nhiều nhà sản xuất giảm đường và muối theo xu hướng ăn lành mạnh nhưng cũng ảnh hưởng đến thời gian bảo quản. Khi sử dụng, người dùng nên chú ý cảm quan, nếu sản phẩm có dấu hiệu bất thường thì không ăn - kể cả khi sản phẩm còn trong hạn sử dụng" - bà Thủy khuyến cáo.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng dù ngộ độc thực phẩm xảy ra với thương hiệu lớn, lâu đời thì khuyến cáo về việc lựa chọn thực phẩm ở những nơi có uy tín, có thương hiệu vẫn đúng. Bởi lẽ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở nhiều khâu mà chính doanh nghiệp cũng không lường hết được. "Thực tế, khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thì nhiều người mới giật mình lo lắng, còn về nguyên tắc phòng tránh ngộ độc thực phẩm cơ bản không có gì thay đổi" - PGS-TS Thịnh nhận xét.
Theo khuyến cáo chung của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng cần cẩn thận hơn khi mua và sử dụng thực phẩm. Với những loại có bao bì đóng gói thì phải có nhãn mác, hạn sử dụng. Nếu sản phẩm không có thông tin này thì không nên mua vì khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm. Ông cũng lưu ý người Việt hay có thói quen mua thực phẩm đóng gói để biếu tặng, thắp hương, để dành chờ dịp đông đủ mới lấy ra ăn mà không để ý hạn sử dụng cũng như điều kiện bảo quản. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
"Đối với thức ăn ở hàng quán, đơn giản nhất theo ông bà đã dạy đó là "nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm" - nên chọn quán ăn sạch sẽ, người bán trong trang phục tinh tươm, tránh những quán ăn bẩn thỉu. Những quán ăn quá đông khách cũng nên dè chừng bởi khi quá tải rất khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; còn quán ế khách rất dễ bán đồ thừa, kém chất lượng" - PGS-TS Thịnh nói thêm.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/moi-nguy-mat-an-toan-thuc-pham-luon-rinh-rap-a43061.html