Ngày 6/10, trả lời VTC News, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã có báo cáo lên Sở Y tế TP.HCM về quá trình tiếp nhận cháu P.N.Q (6 tuổi) đến khám tại phòng khám chuyên khoa nhi của bệnh viện do bác sỹ N.T khám và tư vấn cho mẹ cháu bé.
"Dự kiến tuần sau, Sở Y tế sẽ lập hội đồng chuyên môn đánh giá quy trình tiếp nhận bệnh nhân và phân tích nguyên nhân trẻ 6 tuổi tử vong”, bệnh viện thông tin.
Tổ công tác Sở Y tế làm việc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh về trường hợp tử vong và các trường hợp còn lại đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Trước đó, Sở Y tế đã lập tổ công tác gồm chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm để đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng như các bệnh viện khác ở TP.HCM cho trẻ có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm đang được điều trị tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Liên quan vụ việc cháu P.N.Q. (6 tuổi, quê Cà Mau) tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh su kem được phát đêm Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức), tại cuộc họp báo định kỳ về các vấn đề kinh tế - xã hội chiều 5/10, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM nhận định đây là vụ ngộ độc có diễn biến phức tạp, khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc hàng loạt trước đây.
"Hiện, ngành y tế chỉ đạo tập trung nguồn lực để điều trị cho các ca có dấu hiệu ngộ độc đang nhập viện" , ông Nam nói.
Ông Nam cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, ngoài trường hợp cháu Q., các bệnh viện TP.HCM báo cáo có 17 trẻ tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) có triệu chứng ngộ độc đang được điều trị, sức khỏe đều ổn định.
Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM.
Các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của ngành Y tế TP.HCM nhận định về loại thực phẩm gây ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống được dùng trong tiệc Trung thu). Bởi tất cả trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao…
Ngày 5/10, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, kết quả xét nghiệm PCR phân của hai trẻ bị ngộ độc, thấy có vi khuẩn salmonella spp. Đây là loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.
Như VTC News đưa tin , chiều 29/9, chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) tổ chức Tết Trung thu cho các bé sống tại đây. Chị U. (mẹ bé N.) được cư dân cho 2 bánh Trung thu, ban tổ chức cho bánh su kem mang về. 22h, chị mang bánh về phòng trọ, để bên ngoài (không bảo quản trong tủ lạnh).
Sáng 30/9, cả nhà chị cùng ăn bánh. Sau đó chị U. cùng với con trai 19 tuổi, bé gái N. bị nôn ói, tiêu chảy nhiều lần.
Chị U. và 2 con đi khám tại phòng khám gần nhà, mua thuốc về uống, nhưng các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy của 3 mẹ con không thuyên giảm.
Thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chiều 1/10, bé được đưa tới bệnh viện khám với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê toa thuốc ra về (kháng sinh, giảm đau, men tiêu hóa).
Đến 21h, bé tím môi, mặt tăng dần kèm bứt rứt. 23h gọi bé không phản ứng, sau đó người nhà đưa lại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu lúc 23h46 phút. Bé nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không nghe được nhịp thở, mạch đùi không bắt được, nhịp tim không nghe được và huyết áp không đo được.
Da bé lạnh, tím tái toàn thân; đồng tử 2 bên 5mm, phản xạ ánh sáng âm tính và mất hết các phản xạ toàn thân. Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được hồi sinh tim phổi nhưng không thành công.
Bệnh nhi được chẩn đoán tử vong trước nhập viện. Bệnh viện đã mời công an địa phương đến và bàn giao vụ việc.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/be-6-tuoi-ngo-doc-sau-tiec-trung-thu-lap-hoi-dong-danh-gia-quy-trinh-tiep-nhan-a43217.html