Ngụy Diên Chính sinh ra ở Tân Cương, Trung Quốc, từ nhỏ ông đã bộc lộ tài năng về lĩnh vực khoa học. Ông từng trúng tuyển và theo học Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục học thạc sĩ ở Đại học Quốc gia Singapore. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ông lại tiếp tục học lên tiến sĩ, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo ở Đại học Southampton ở Anh.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ, Ngụy Diên Chính quyết định quay trở về Trung Quốc và làm việc tại tập đoàn Huawei. Trong thời gian làm việc ở Huawei, ông đã có nhiều đóng góp cho tập đoàn và trở thành giám đốc điều hành cấp cao của Huawei.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2011, Ngụy Diên chính đột nhiên bị đau âm ỉ ở ngón út bàn chân phải. Cơn đau kéo dài liên tục và ngày càng dữ dội, thậm chí còn khiến Ngụy Diên Chính phải đi khập khiễng.
Sau đó, ông đã đến bệnh viện để thăm khám và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ác tính sarcoma tế bào sáng (một loại sarcoma mô mềm). Sarcoma là bệnh ung thư xương, mỡ, sụn, cơ, mạch máu hoặc các mô liên kết hay hỗ trợ khác trong cơ thể. Bác sĩ cho biết đây là căn bệnh ung thư hiếm gặp có tỷ lệ sống sót sau 5 năm rất thấp.
Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư, Ngụy Diên Chính vẫn đi làm và đi công tác để hoàn thành nốt các công việc đang dang dở.
Sau khi sắp xếp công việc, ông mới xin nghỉ phép hơn một tháng để tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật khiến Ngụy Diên Chính phải cắt bỏ một nửa lòng bàn chân. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại hàng ngày của ông.
Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau, Ngụy Diên Chính lại xuất hiện cơn đau bất thường ở chi dưới bên phải. Ông đi khám và được chẩn đoán tế bào ung thư tái phát, di căn. Ngụy Diên Chính tiếp tục phải cắt cụt chân phải và tiến hành điều trị bằng xạ trị và hóa trị.
Ngụy Diên Chính điều trị tại bệnh viện.
Sai lầm khi điều trị khiến bệnh trở nặng
Trong quá trình điều trị ung thư, Ngụy Diên Chính bắt đầu tìm kiếm các phương pháp khác nhau để chữa bệnh. Khi tìm hiểu thông tin về các phương pháp điều trị ung thư, Ngụy Diên Chính đã đọc được thông tin nhịn ăn để ‘bỏ đói’ tế bào ung thư trong cơ thể.
Ông đã bắt đầu thực hiện phương pháp nhịn ăn. Trong thời gian nhịn ăn, Ngụy Diên Chính không ăn bất kỳ thực phẩm nào mà chỉ uống nước và thuốc ức chế axit dạ dày.
Tuy nhiên, phương pháp nhịn ăn này chính là một sai lầm lớn khiến bệnh tình của Ngụy Diên Chính trở nên trầm trọng hơn. Cuối cùng, sau 5 năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, Ngụy Diên Chính đã qua đời ở tuổi 41.
Ngụy Diên Chính.
Thực hư thông tin ‘bỏ đói’ khối u để điều trị ung thư
Thực tế có khá nhiều bệnh nhân ung thư tin vào thông tin “nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư. Tuy nhiên thông tin này hoàn toàn không chính xác.
Trong y học cũng có phương pháp điều trị nút mạch để cắt đứt nguồn cung cấp máu và các chất dinh dưỡng tới khối u, khiến khối u mất dinh dưỡng và chết đi. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị khoa học, thường được dùng để điều trị ung thư gan chứ hoàn toàn không phải là ‘bỏ đói’ khối u bằng việc nhịn ăn.
Việc nhịn ăn một cách mù quáng cũng có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư, từ đó làm tăng mức độ xâm nhập và di căn của tế bào ung thư, đồng thời làm giảm sức đề kháng.
Nhịn ăn cũng gây ảnh hưởng về mặt thể chất, khiến cơ thể không có khả năng đáp ứng điều trị do thiếu chất.
Ngoài ra, việc nhịn ăn có thể gây ra những thay đổi tâm lý như trầm cảm, lo âu. Điều này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình điều trị ung thư.
Ảnh minh họa: Tế bào ung thư.
Chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, chế độ ăn uống đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp phục hồi sức khỏe và tăng hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Tôn Lăng Hà, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện Johns Hopkins, Hoa Kỳ cho biết chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư nên tuân theo nguyên tắc nhất định.
Khi điều trị bằng xạ trị và hóa trị, các bệnh nhân ung thư hầu hết đều cảm thấy chán ăn, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần ăn đủ bữa và đủ lượng, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ.
Đặc biệt, việc chia thành nhiều bữa nhỏ giúp bệnh nhân dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng hơn. Người bệnh cũng nên chú trọng bổ sung thực phẩm giàu calo và protein, ăn đa dạng món, đặc biệt là các món có màu sắc tươi tắn, hương vị thanh đạm, ít dầu mỡ để tăng cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý điều chỉnh chế độ ăn theo tình trạng thực tế của cơ thể. Chẳng hạn như bệnh nhân ung thư bị thiếu máu có thể ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, đậu, bông cải xanh cũng như thực phẩm giàu axit folic như rau bina, măng tây và đậu xanh.
Hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật có thể tăng cường bổ sung protein chất lượng cao để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Hay đối với những bệnh nhân khó nhai nuốt/chức năng tiêu hóa kém, người thân có thể chế biến món ăn thành dạng nhuyễn/lỏng để hỗ trợ tiêu hóa.
Cuối cùng, các chuyên gia khuyến cáo khi được chẩn đoán mắc ung thư, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của y bác sĩ, đảm bảo dinh dưỡng và giữ tâm lý thoải mái, tích cực, lạc quan để việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/giam-doc-cap-cao-mac-ung-thu-o-tuoi-36-truoc-khi-mat-chi-ra-sai-lam-khi-dieu-tri-nhieu-nguoi-mac-a43512.html