Theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến hết tháng 9/2023, cả nước ghi nhận 354 trường hợp mắc bệnh sốt rét tại 29 tỉnh, thành phố, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ghi nhận số mắc tăng cao tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác trong khu vực. Bên cạnh đó tại một số tỉnh, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai.
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh sốt rét trên địa bàn cả nước, nhất là tại các vùng có sốt rét lưu hành nặng, biến động tăng số trường hợp mắc bệnh và đảm bảo việc phát hiện sớm, quản lý điều trị kịp thời và toàn diện các trường hợp mắc bệnh sốt rét, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; Bộ Y tế có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một số hoạt động sau:
Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh, thành phố; rà soát và bổ sung kế hoạch phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét năm 2023 và kế hoạch phòng, chống và loại trừ sốt rét trong giai đoạn tiếp theo nhất là việc đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện loại trừ bệnh sốt rét ở các địa phương vẫn đang có lưu hành bệnh sốt rét; duy trì bền vững các thành quả về loại trừ bệnh sốt rét tại các địa phương đã công bố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Giao trách nhiệm cho Ủy ban Nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo phối hợp liên ngành triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống để giải quyết tình hình bệnh sốt rét tại các điểm nóng; đề nghị các huyện, quận, thị xã, thành phố ký cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét của địa phương nhằm đạt loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030.
Rà soát củng cố các điểm kính hiển vi, tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm của các cơ sở y tế. Tăng cường công tác giám sát phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh sốt rét bằng soi kính hiển vi hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh, hạn chế bỏ sót người bệnh. Tổ chức khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lan truyền ra cộng đồng. Thực hiện xử lý các ổ bệnh sốt rét triệt để và phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét theo đúng quy trình.
Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ban hành kèm theo Quyết định số 3377/QĐ-BYT ngày 30/8/2023 của Bộ Y tế, bảo đảm sử dụng đúng thuốc, đủ liều cho người bệnh theo từng loài ký sinh trùng, nhất là P.vivax hay P.falciparum để hạn chế thấp nhất sốt rét ác tính, tử vong do sốt rét và kháng thuốc sốt rét.
Rà soát độ bao phủ thực tế của việc phân bổ màn, võng được tẩm hóa chất và tỷ lệ ngủ màn thực tế của từng hộ gia đình nhóm nguy cơ mắc bệnh sốt rét để có biện pháp, kế hoạch cung cấp bổ sung và triển khai tẩm màn, võng trong phòng, chống bệnh sốt rét.
Đề xuất các giải pháp thích hợp quản lý đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, biện pháp phù hợp để tiếp cận được toàn bộ các đối tượng nguy cơ như nhóm người đến địa phương làm ăn kinh tế, lao động theo thời vụ, người dân địa phương đi rừng ngủ rẫy, khai thác lâm thổ sản, công nhân lâm nghiệp, cán bộ quản lý rừng, người dân qua lại vùng sốt rét lưu hành, đi về từ các tỉnh có sốt rét lưu hành như khu vực miền Trung - Tây Nguyên và những nước có sốt rét lưu hành như các nước châu Phi, Lào, Campuchia. Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thực hiện phối hợp, quản lý, khai báo cho cơ quan y tế về số người lao động, công nhân, người đi rừng, ngủ nương rẫy để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả bệnh sốt rét cho nhóm đối tượng này.
Tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ và thay đổi hành vi trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng sốt rét lưu hành, thực hiện ngủ màn đã được tẩm hóa chất cả ở nhà và khi ngủ trong rừng, nương rẫy; khi bị mắc sốt rét thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sốt rét kịp thời, sử dụng thuốc điều trị sốt rét đầy đủ theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Cấp màn, võng và màn võng có tẩm hóa chất diệt muỗi, kem xua muỗi cá nhân; nhanh chóng thực hiện tẩm màn, võng và màn võng bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân và phun hóa chất diệt muỗi tồn lưu tại các hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao.
Củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế xã, thôn, bản; tăng cường phối hợp hiệu quả giữa chính quyền và các ban, ngành trong phòng chống sốt rét. Bố trí nguồn nhân lực để đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho hoạt động phòng chống sốt rét; bố trí đầy đủ kinh phí hoạt động chuyên môn trong nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương, gồm kinh phí mua thuốc sốt rét, hóa chất phun tồn lưu, tẩm màn, vật tư, hóa chất phục vụ xét nghiệm sốt rét... và tổ chức thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét. Chỉ đạo các cơ sở y tế luôn luôn đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, thuốc, trang thiết bị cho công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn.
Theo dõi sát diễn biến tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp can thiệp phòng, chống bệnh sốt rét để kịp thời có các biện pháp chỉ đạo tiếp theo cho các địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm tránh nguy cơ đối mặt dịch chồng dịch. Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế và Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25/10/2021 của Bộ Y tế về Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt rét.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bo-y-te-so-ca-mac-sot-ret-tang-hon-10-so-voi-cung-ky-nam-2022-a43733.html