Khi mang thai được 16 tuần, Margaret Hawkins Boemer (Texas, Mỹ) nhận được tin sốc, đứa con trong bụng mắc "u quái vùng cùng cụt thai nhi". Đó là một khối u hiếm gặp, phát triển từ xương cụt của thai nhi, thường xảy ra ở bé gái nhiều hơn bé trai. Kết quả chấn đoán thật đáng sợ, cùng căn bệnh xa lạ khiến người mẹ cảm thấy không có hy vọng gì về tương lai của con gái mình.
Khối u quái vùng cùng cụt gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của em bé. Khi khối u phát triển, nó làm chuyển hướng lưu lượng máu ra khỏi thai nhi đang phát triển, khiến em bé có nguy cơ bị suy tim.
Ở tuần thứ 23, tim thai nhi đập mạnh và tình hình trở nên nguy kịch. Đội ngũ y bác sĩ phải đối mặt với một quyết định khó khăn, cho phép khối u tiếp tục phát triển cùng với thai nhi hay một cuộc phẫu thuật đầy rủi ro với cơ hội sống sót mong manh.
Người mẹ sau khi trao đổi với bác sĩ đã quyết định đặt hy vọng vào cơ hội sống mong manh. Họ đã chọn một phương pháp đột phá gọi là phẫu thuật thai nhi. Khi thai nhi được 23 tuần 5 ngày, ca phẫu thuật được tiến hành.
Thai nhi chỉ nặng 0,53 kg khi được bác sĩ phẫu thuật mở bụng. Người mẹ ban đầu mong đợi một cặp song sinh nhưng đã mất 1 trong 2 đứa con trước tam cá nguyệt thứ hai. Trước đó cô cũng từng được khuyên nên chấm dứt thai kỳ hoàn toàn trước khi một bác sĩ người Nigeria tại Trung tâm Thai nhi Trẻ em Texas đề xuất một cuộc phẫu thuật đầy rủi ro.
Khối u và thai nhi gần như có cùng kích thước vào thời điểm ca phẫu thuật được thực hiện.
Em bé buộc phải chào đời 2 lần để loại bỏ khối u.
Khối u đã phát triển lớn đến mức cần phải rạch một đường lớn để tiếp cận nó, bác sĩ sẽ tạm thời đưa em bé ra ngoài tử cung. Sau khi loại bỏ phần lớn khối u, bác sĩ sẽ cẩn thận đặt em bé vào trong bụng mẹ và khâu lại. Mọi thứ diễn ra đều nhanh chóng và chạy đua với thời gian.
Bác sĩ người Nigeria Oluyinka Olutoye và cộng sự của ông là bác sĩ phẫu thuật Darrell Cass tại Trung tâm Thai nhi Trẻ em Texas đã tiến hành ca phẫu thuật trong 5 giờ.
Olutoye nói với trang BBC rằng, khối u lớn đến mức phải rạch một đường rất lớn mới có thể chạm tới nó, khiến em bé như "treo lơ lửng trên không".
Ông nói thêm rằng tim của Lynlee gần như đã ngừng đập trong suốt quá trình phẫu thuật nhưng một chuyên gia về tim đã giữ cho cô ấy sống sót trong khi phần lớn khối u đã được cắt bỏ. Sau đó, nhóm các bác sĩ đặt cô bé trở lại bụng mẹ và khâu tử cung lại.
Người mẹ sau đó cần tới 12 tuần để nằm trên giường nghỉ ngơi, phải chịu đựng những thử thách về thể chất và tinh thần. Bất chấp mọi khó khăn, em bé tiếp tục phát triển đến tuần thứ 36 thì chào đời. Cô bé Lynlee Hope chào đời lần thứ 2 bằng phương pháp sinh mổ vào ngày 9/5/2016.
.Cô bé nặng 2,4kg, tiếp tục phải trải qua một cuộc phẫu thuật khác lúc 8 ngày tuổi để loại bỏ những phần còn lại của khối u. Cô bé hồi phục trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và cuối cùng trở về nhà.
Bác sĩ Darrell CassU cho biết, u quái vùng cùng cụt là một dạng khối u hiếm gặp gặp ở 1/30.000-70.000 ca sinh sống. Nguyên nhân của nó vẫn chưa được biết nhưng bé gái bị ảnh hưởng nhiều gấp 4 lần so với bé trai.
Vượt qua mọi khó khăn, cô bé Lynlee hiện đã 7 tuổi, vừa học xong lớp 1, rất thích múa bale và nghe nhạc jazz.
Quá trình cô bé sống sót và chiến đấu với bệnh tật, cùng việc chào đời 2 lần trở thành điều rất phi thường, ai cũng tin đó là một phép màu.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/em-be-duoc-sinh-ra-2-lan-ai-cung-tin-do-la-mot-phep-mau-a43771.html