Người dân “gồng mình” phòng chống cùng lúc 5 loại dịch bệnh

Theo Sở Y tế Tp.HCM, địa phương này đang phải cùng lúc đối phó với 5 dịch bệnh bao gồm sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ và Covid-19.

Tp.HCM ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 19

Theo Sở Y tế Tp.HCM, 9 tháng đầu năm 2023, Tp.HCM đối đầu với 5 loại dịch bệnh, gồm: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ và Covid-19. Tuy nhiên, Tp.HCM đã rất chủ động phòng chống và cũng đã giải được mã gien vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ và đau mắt đỏ.

Đời sống - Người dân “gồng mình” phòng chống cùng lúc 5 loại dịch bệnh

Tay chân miệng có thể gây biến chứng nghiêm trọng.

Ngành y tế Tp.HCM tiếp tục thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, Tp.Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ…

Ngành y tế Tp.HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin cho người dân biết về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ.

Theo số liêu Sở Y tế Tp.HCM vừa công bố, trong tuần qua Tp.HCM đã phát hiện thêm 6 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, đưa tổng số ca mắc bệnh trên địa bàn Thành phố lên con số 19 (trong đó có 2 ca nhập cảnh và 1 ca xuất cảnh sang Đài Loan (Trung Quốc)). Hiện tại, Tp.HCM đang cách ly và điều trị 12 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, tất cả đều đang ổn định về tình trạng sức khỏe.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng, tử vong cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm, phối hợp tuyên truyền cho những người đã tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.

Phòng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh, thực hành tình dục an toàn. Thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm virus từ người mắc bệnh.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Tp.HCM đã ghi nhận tổng cộng 14.126 ca mắc sốt xuất huyết. Trong tuần qua, Thành phố đã ghi nhận thêm 422 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5,3% so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân gồm có quận 1, quận 8 và quận Bình Thạnh. Hiện, Tp.HCM đang điều trị tổng cộng 200 ca sốt xuất huyết, trong đó có 103 ca trưởng thành và 96 ca trẻ em.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số ca mắc tay chân miệng tại Tp.HCM có 29.864 ca. Riêng trong tuần qua, tại Tp.HCM ghi nhận 1.532 ca mắc, tăng gần 1,5 lần so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Hiện, có 346 ca tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện (103 ca có địa chỉ tại Tp.HCM), trong đó có 340 ca mắc có độ tuổi dưới 6 tuổi (chiếm 98,2%).

Trong số này có 25 ca nặng (gồm 15 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 3 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, 3 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, 4 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới).

Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ ở kéo dài, nhiều ca điều trị dài ngày

Trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng một cách nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Đáng lưu ý, có không ít trường hợp phải tới bệnh viện làm những thủ thuật ở mắt do hậu quả của việc đau mắt đỏ diễn biến lâu gây ảnh hưởng đến giác mạc, phải đi bóc giả mạc.

Trao đổi với báo chí, PGS.Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho hay, dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay đã kéo dài 2-3 tháng và điểm khác với các năm trước là diễn ra trong thời gian khá dài. Đến nay vẫn có một lượng khá lớn bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

“Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hằng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám một tuần. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ. Năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỉ lệ lên tới 15-20% tổng số ca được chẩn đoán đau mắt đỏ”, PGS.Cung thông tin.

Cũng theo PGS.Cung, có những ngày, Bệnh viện ghi nhận 1/3 số lượng bệnh nhân đến khám là bị đau mắt đỏ. Thông thường, dịch đau mắt đỏ hay xảy ra vào mùa nắng nóng. Sau đó qua mùa Hè, vào mùa Thu dịch bắt đầu giảm dần đi. Tuy nhiên năm nay thì dịch kéo khá dài. Giờ đã là giữa mùa Thu mà số trường hợp mắc bệnh ghi nhận vẫn còn nhiều. Ngoài ra, một đặc điểm khác biệt nữa là xuất hiện nhiều trường hợp bệnh diễn biến rất nặng, bệnh nhân bị viêm cấp phù nề và có rất nhiều giả mạc, bệnh kéo dài vài tuần mới khỏi.

Những người mắc bệnh đau mắt đỏ ở thời gian gần đây có xu hướng ngắn ngày đã khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mặc dù viêm kết mạc nhẹ hơn nhưng biến chứng lại nhiều hơn.

“Tại Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận trường hợp đau mắt đỏ trong tình trạng nặng không nhiều. Bởi bệnh viêm kết mạc cấp do virus hay còn gọi là đau mắt đỏ thường là bệnh lành tính. Khi bệnh nhân đến khám, điều trị kịp thời sau 1-2 tuần sẽ khỏi. Những trường hợp bệnh nhân đến muộn hoặc tự mua thuốc điều trị thì có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới giác mạc, thậm chí có trường hợp nặng viêm loét giác mạc. Tuy nhiên, tỉ lệ viêm giác mạc vào điều trị sau vài ngày sẽ ổn”, PGS. Cung thông tin.

Trước thực trạng nhiều người dân tự ý mua thuốc điều trị đau mắt đỏ, PGS.Lê Xuân Cung khuyến cáo: Tình trạng bệnh nhân mua thuốc tự tra khá phổ biến. Thực tế bệnh đau mắt đỏ năm nào cũng xảy ra nên tâm lý của người bệnh sẽ coi đây là bệnh thông thường và tự tìm mua thuốc về nhỏ mắt.

Tại hiệu thuốc, những dược sĩ sẽ bán một loại thuốc kháng sinh hoặc kháng sinh kết hợp với kháng viêm và thông thường các loại thuốc này có thể chữa khỏi bệnh. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân không đáp ứng thuốc khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn và gây viêm ở mức độ nặng mới đến viện muộn. Khi đó, chúng tôi phải dùng nhiều phương pháp điều trị để giữ được thị lực cho bệnh nhân.

M.Vy (t/h từ Sức khỏe &Đời sống, Thanh Niên, Vietnam+)

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nguoi-dan-gong-minh-phong-chong-cung-luc-5-loai-dich-benh-a44017.html