Cụ thể, vào lúc 1h ngày 17/10, Đội Quản lý thị trường số 10 tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra xe ô tô đầu kéo từ Bình Định di chuyển hướng ra Bắc, mang biển kiếm soát 77H-042.69, rơ-moóc số 77R-042.88.
Phương tiện trên do ông Lương Văn Trực, trú tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định điều khiển đang đỗ tại cây xăng Sơn Hải, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa.
Cá khoai không rõ nguồn gốc bị lực lượng kiểm tra thu giữ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa đang vận chuyển trên xe là cá khoai nguyên con đóng trong thùng xốp, với số lượng gần 5 tấn. Qua test nhanh đã phát hiện trong sản phẩm có formol là hóa chất nguy hiểm với con người khi tiếp xúc.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Lương Văn Trực chưa xuất trình được hóa đơn liên quan đến hàng hóa.
Đoàn kiểm tra cũng đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số cá khoai trên chuyển đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Tác hại của formol trong thực phẩm
Formol là một chất hữu cơ rất độc, được sản xuất rộng rãi trong công nghiệp tên khoa học là Formaldehyd. Vì có tính sát trùng cao nên formol được sử dụng để diệt khuẩn, đồng thời làm dung môi bảo vệ các tổ chức, các cơ quan nội tạng cơ thể, nên trong y học người ta thường dùng để ướp xác.
Formol dễ dàng kết hợp với các protein (là thành phần chủ yếu trong thực phẩm) tạo thành những hợp chất bền, lâu bị phân hủy. Chính vì thế người ta lợi dụng tính chất này để bảo quản các loại thực phẩm hàng ngày.
Tuy nhiên cơ thể người nếu tiếp xúc với formol, dù nhiều hay ít trong một thời gian dài, đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng: nhẹ thì gây kích thích niêm mạc mắt, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, gây loét dạ dày, viêm đại tràng, còn nặng thì gây kích thích đường hô hấp trên, có thể bị ngạt thở nếu hít phải ở nồng độ 1/20.000 trong không khí, nếu tiếp xúc lâu dài hay với hàm lượng cao sẽ dẫn đến tử vong hay làm gia tăng tỷ lệ ung thư vòm hầu và ảnh hưởng đến thai nhi (nếu với người đang có thai).
Để ngăn ngừa việc sử dụng ngày càng nhiều các độc chất trong thực phẩm hàng ngày, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất, các cơ quan chức năng với truyền thông đại chúng, bằng cách: Giáo dục nâng cao trình độ hiểu biết trong dân nhằm bỏ thói quen dùng hóa chất trong thực phẩm hàng ngày; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất và có biện pháp mạnh đối với những trường hợp vi phạm.
DS Ngọc Hòa - Trung tâm Tuyên truyền và Giáo dục sức khỏe Bình Định.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bat-giu-xe-dau-keo-binh-dinh-van-chuyen-gan-5-tan-ca-khoai-co-chua-formol-a44167.html