Từ hành lang Quốc hội đến các phiên thảo luận trong kỳ họp thứ 6, nhiều ĐBQH đã lên tiếng đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ để khắc phục tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế. Đồng thời, chỉ đạo đồng bộ để tất cả các bộ ngành cùng vào cuộc giải quyết vấn đề.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho biết, tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc vẫn xảy ra, theo đó, đặt câu hỏi về trách nhiệm của BHYT trong vấn đề này. Bà Phong Lan khẳng định: “Đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được thì là lỗi của chúng ta”.
(Ảnh minh họa)
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cũng gửi kiến nghị của cử tri tới Chính phủ, đề nghị tiếp tục chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đại biểu đồng thời cho rằng, cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua vật tư y tế bên ngoài, đối với những loại có trong danh mục được thanh toán BHYT
“Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan Nhà nước. Do đó, nhân dân cần cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này”, đại biểu Ngọc Xuân gửi tới Quốc hội ý kiến của cử tri.
Nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề này cho rằng, BHYT phải có trách nhiệm thanh toán, chi trả các khoản chữa trị cho người dân khi họ phải ra bệnh viện tư để chữa bệnh khi cơ sở y tế công lập không thể đáp ứng.
Ý kiến này của các ĐBQH liệu có đủ cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện hay không? Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc trả lại tiền cho người dân phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế là rất cần thiết. Từ kỳ họp trước, khi thảo luận về vấn đề BHXH, BHYT, nhiều đại biểu rất quan tâm và nêu vấn đề này.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng pháp luật đã quy định các cơ sở khám chữa bệnh BHYT phải có trách nhiệm đảm bảo đúng thuốc, vật tư y tế trong danh. Còn các cơ sở y tế sẽ được thanh toán từ Quỹ BHYT.
“Quỹ này có nguồn chính là đóng góp từ những người tham gia BHYT. Trong trường hợp người tham gia BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài như vậy cần phải có cơ chế thanh toán, bồi hoàn trở lại cho người dân, vì họ đã phải bỏ tiền túi ra mua thuốc”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu nhấn mạnh đến gánh nặng tài chính vì có rất nhiều trường hợp điều trị bệnh phải bỏ ra chi phí rất cao, từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng: “Trước hết là để đảm bảo quyền lợi của người dân. Đây là gánh nặng tài chính rất lớn, đặc biệt đối với những người thu nhập thấp. Rất dễ dẫn đến tình trạng người dân bị “nghèo hóa” vì chi phí y tế”.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, BHYT không thanh toán sẽ khiến người dân mất đi lòng tin vào hệ thống BHYT. Hơn nữa, khi người dân tham gia BHYT nhưng lại không được đảm bảo các quyền lợi cơ bản, thì điều này khiến cho mục tiêu BHYT toàn dân bị ảnh hưởng, sẽ gặp khó khăn.
Về mặt pháp lý, ông Nghĩa cho biết, theo quy định của Luật BHYT, đã có trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thanh toán những trường hợp đặc biệt, vì vậy, hoàn toàn có thể vận dụng trong trường hợp này để thanh toán cho người dân.
“Đây là vấn đề hết sức cần thiết, có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện và cần phải quyết tâm làm để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT”, đại biểu nhấn mạnh.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, giải quyết vấn đề này không khó. Người dân có thể mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài với giá cao hơn hay thấp hơn nhưng họ có thể được thanh toán với mức mà BHYT thanh toán.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tra-lai-chi-phi-cho-nguoi-dan-phai-tu-mua-thuoc-tai-sao-khong-a45728.html