BVO là thành phần từng được sử dụng phổ biến trong nước ngọt có hương vị cam quýt trên khắp thế giới, nhằm giữ hương vị thơm hòa quyện trong đồ uống.
Đề xuất của FDA có thể khiến BVO bị cấm vĩnh viễn trên khắp nước Mỹ, theo Science Alert.
BVO từng được sử dụng rất phổ biến trong các loại nước ngọt vị cam quýt, đến nay vẫn còn nhiều loại dùng nó - Ảnh minh họa từ Internet
Theo ông James Jone, Phó Ủy viên FDA về thực phẩm cho con người, động thái này là một ví dụ về cách cơ quan giám sát các bằng chứng mới nổi và khi cần thiết, tiến hành các nghiên cứu khoa học để xác minh, đồng thời thực hiện hành động quản lý khi khoa học không cho rằng việc tiếp tục sử dụng chất phụ gia đó là an toàn.
BVO đã được sử dụng làm chất nhũ hóa từ năm 1930 trong các loại nước ngọt vị cam quýt. Hàng chục nguyên tử brom sẽ gắn vào chất béo trung tính để tạo ra một loại dầu đậm đặc hiện diện đều trong nước hơn thay vì nổi lên bề mặt.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy hợp chất này có thể tích tụ từ từ trong mô mỡ của chúng ta. Brom cũng có khả năng tiềm tàng ngăn chặn i-ốt thực hiện nhiệm vụ của nó bên trong tuyến giáp.
Do đó, các cơ quan y tế trên thế giới đã hoài nghi về rủi ro của chất nhũ hóa này trong nhiều thập kỷ. Một số quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cấm chất này.
Bang California của Mỹ hồi tháng 10 cũng đã cấm chất này bằng một luật có hiệu lực vào năm 2027.
Dữ liệu về những rủi ro có thể được tạo nên với chỉ một lượng nhỏ BVO này không dễ thu thập, chủ yếu dựa trên các nghiên cứu dài hạn. Tuy nhiên, bằng chứng đã dẫn được đưa ra.
Ví dụ, một nghiên cứu ở Anh những năm 1970 cho thấy brom tích tụ trong mô con người và động vật liên quan đến các vấn đề về tim và hành vi.
Một điều may mắn là nhiều "ông lớn" ngành giải khát bao gồm Pepsico và Coca-Cola đã loại bỏ dần thành phần này khỏi các sản phẩm trong thập kỷ qua.
Ông Jones cho biết BVO có thể được thay thế bằng các thành phần khác. Sự thay thế đã trở nên phổ biến tại Mỹ.
Đề xuất của FDA vẫn cần trải qua một quá trình xem xét kéo dài và lệnh cấm có tính pháp lý khó có thể được đưa ra trước đầu năm 2024.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/fda-de-nghi-cam-vinh-vien-thanh-phan-trong-nuoc-ngot-vi-cam-a45942.html