Sự thật về "siêu vắc-xin" Evusheld: Không phải là vắc-xin, đã giảm tác dụng trước Omicron

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Evusheld không phải là vắc-xin. Hiện nhiều người đang nhầm lẫn về khái niệm vắc-xin nên mới gọi Evusheld là vắc-xin phòng Covid-19.

Evusheld không phải vắc-xin

TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA - Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím – cho biết, bình thường vắc-xin chứa kháng nguyên của virus có thể giúp cơ thể nhận biết virus thật như thế nào. Evusheld không chứa bất kỳ kháng nguyên nào của virus SARS-CoV-2 mà chứa kháng thể để nhận biết virus. Hai kháng thể đó là tixagevimab và cilgavimab. Cả hai kháng thể này tiêm cùng 1 lúc ở hai vị trí khác nhau với thể tích 1,5 ml nên phải tiêm vào vùng cơ lớn để dễ hấp thu. Vị trí tiêm sẽ ở mông.

Bình thường, virus SARS-Cov-2 sử dụng gai trên bề mặt protein S để tương tác với bề mặt thụ thể trên tế bào của chúng ta. Sự tương tác này giúp virus tấn công vào tế bào. Khi tiêm Evusheld kháng thể bám lên gai của virus để ngăn cản sự tương tác giữa virus với tế bào của con người, ngăn virus xâm nhiễm vào cơ thể.

Hiệu quả của Evusheld tương tự như các loại vắc-xin chúng ta đang dùng, có tác dụng giúp giảm sự lây nhiễm của virus nên khiến nhiều người nghĩ Evusheld là siêu vắc-xin. Tuy nhiên, TS Vũ khẳng định Evusheld không phải là vắc-xin, nó là hệ miễn dịch thụ động, cơ chế hoạt động giống trẻ em nhận kháng thể từ người mẹ. Còn vắc-xin hiện đang sử dụng sinh ra kháng thể để ngăn ngừa virus, các kháng thể này được tạo ra từ bên trong chính tế bào của người tiêm vắc-xin.

Còn kháng thể thụ động từ tiêm Evusheld không tác động tới hai tế bào B và tế bào T trong cơ thể. Đây là hai tế bào tạo hệ miễn dịch, đóng vai trò quan trọng ngăn cản virus tấn công cơ thể và ngăn cản virus gây bệnh nặng hơn.

Vì vậy, Evusheld không được coi là vắc-xin, nó hoàn toàn không tác động tới hệ miễn dịch B và T.

Theo TS Vũ, Evusheld được FDA cấp phép khẩn cấp từ tháng 12/2021 với mục tiêu ngăn cản lây nhiễm. Evusheld được khuyến cáo tiêm cho người không mắc virus và những người không tiếp xúc với nguồn lây Covid-19. Evusheld sử dụng trên người suy giảm miễn dịch vừa và nặng như bệnh nhân HIV, người bị ung thư máu, ghép tuỷ, ghép tạng...

Sự thật về siêu vắc-xin Evusheld: Không phải là vắc-xin, đã giảm tác dụng trước Omicron - Ảnh 1.

Người dân tiêm vắc-xin Covid-19.

Evusheld được sử dụng cho đối tượng trên 12 tuổi, có cân nặng từ 40kg trở lên, đang không nhiễm virus và không tiếp xúc với nguồn lây virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, Evusheld còn có thể dùng như vắc-xin thay thế cho người có tiền sử xảy ra phản ứng phụ không thể tiêm vắc-xin Covid-19 vì phản ứng phụ có thể ảnh hưởng tới tính mạng của họ.

Phản ứng phụ của Evusheld 

Theo nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí khoa học JAMA cho thấy kháng thể của Evusheld có độ bám rễ trong cơ thể khoảng 80 ngày. Sau 3 tháng, kháng thể bị phân huỷ khoảng một nửa và qua 6 tháng, kháng thể vẫn còn khả năng bảo vệ.

Một thử nghiệm lâm sàng khác được triển khai trên 5172 người, chia làm hai nhóm với tỷ lệ 2:1 tiêm Evusheld và giả dược. Quan sát trong vòng 83 ngày người ta thấy trong nhóm tiêm Evusheld có 8 người mắc Covid-19 và có biểu hiện (chiếm 0,2 %).

Trong nhóm tiêm giả dược thì có 27 người mắc Covid-19 và có biểu hiện (chiếm 1%). Vì vậy, người ta thấy rằng khả năng bảo vệ của Evusheld là 77 % và sau đó tiếp tục quan sát và trong 6 tháng tiếp theo sự khác biệt lớn hơn đó là khoảng 83%.

Về phản ứng phụ của Evusheld, TS Vũ cho biết nó cũng giống thuốc hay vắc-xin khác, đều có phản ứng phụ. Qua thí nghiệm lâm sàng quan sát thấy các phản ứng phụ thường gặp như đau đầu chiếm 6%, mệt mỏi chiếm 4%. Ngoài ra, người ta cũng thấy nhóm tiêm Evusheld cũng có phản ứng phụ về tim nhưng chưa rõ ràng nhưng ghi nhận có 1 ca tử vong sau tiêm Evusheld. Tuy nhiên, sự liên quan giữa tiêm Evusheld và ca tử vong không được xác định nhưng đây cũng là điểm cần quan tâm.

Bởi vì, khi làm thí nghiệm lâm sàng về tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 12 -17 tuổi, người ta không thấy có phản ứng viêm cơ tim nhưng khi tiêm đại trà thì hiện tượng phản ứng phụ viêm cơ tim lại rõ hơn.

Vì vậy, thí nghiệm với hơn 5000 người nói trên vẫn cần phải quan sát thêm. Nếu tiêm với số lượng cả triệu người thì chắc chắn sẽ khác cần quan sát thêm thực tế như thế nào?

Giống vắc-xin Covid-19, khi các biến thể mới ra đời thay đổi vị trí Protein S nên vắc-xin không còn nhận biết như trước và virus "vượt rào miễn dịch" nên sử dụng kháng thể thụ động phòng Covid-19 cũng gặp khó khăn như của vắc-xin.

Trong nghiên cứu gần đây người ta thấy hai kháng thể trong Evusheld giảm khả năng trung hoà virus với biến thể Omicron khoảng 12 – 30 lần. Vì vậy, người ta lo ngại nếu có biến thể mới xuất hiện thì có lẽ hiệu quả của Evusheld cũng không còn tốt như trước nữa - TS Vũ cho biết.

TS Vũ khuyến cáo tốt nhất người bình thường vẫn nên tiêm liều vắc-xin cơ bản vì nó tác động tới hệ miễn dịch, kháng thể chủ động của cơ thể và tác động vào tế bào B và T. Chỉ những người không thể tiêm vắc-xin hoặc suy giảm miễn dịch không thể tạo được kháng thể khi tiêm vắc-xin mới cân nhắc sản phẩm Evusheld.

https://soha.vn/su-that-ve-sieu-vac-xin-evusheld-khong-phai-la-vac-xin-da-giam-tac-dung-truoc-omicron-20220313201949173.htm

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/su-that-ve-sieu-vac-xin-evusheld-khong-phai-la-vac-xin-da-giam-tac-dung-truoc-omicron-a460.html