Thịt bò là nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên, nó sẽ chỉ thực sự tốt nếu như bò được chăn nuôi an toàn.
Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin về một loại thịt bò mang tên "bò Sal". Theo một số chia sẻ, "bò Sal" là loại bò tươi 100%, được thương lái Việt Nam đặt hàng từ Thái Lan, Lào... Loại bò này được nuôi bằng Salbutamol, là 1 trong 3 chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi.
Thông tin này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Nhiều người để lại bình luận hoang mang, lo lắng chưa hiểu rõ loại bò này là gì và liệu nó có thật trên thị trường hay không?
Bài viết được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, cảnh báo thịt bò chứa Salbutamol.
Tuy thông tin trên chưa được kiểm chứng nhưng câu chuyện bò chứa chất tạo nạc Salbutamol không phải là mới và từ lâu đã là vấn đề gây nhức nhối.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đưa ra công văn khẩn yêu cầu các địa phương kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc. Bởi dư lượng Salbutamol trong gia súc có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đã có nhiều bài báo đưa tin về câu chuyện bò được cho ăn thực phẩm có trộn Salbutamol, vượt ngưỡng cho phép hàng trăm lần. Salbutamol được cho là có thể giúp tăng trọng lượng của bò đến 100kg trong vỏn vẹn 1 tháng.
Đầu năm 2023 vừa qua, lực lượng chức năng tại Đồng Nai đã phát hiện 130 con lợn dương tính với chất cấm Salbutamol.
Cuối năm 2022, dư luận từng một thời gian xôn xao trước thông tin trâu, bò bị nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2015, cơ quan chức năng đã phanh phui 13 vụ sử dụng chất cấm Salbutamol trong ngành chăn nuôi.
Những sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tồn tại chất cấm trong chăn nuôi. Nguy hiểm nhất là khi thịt bò, thịt lợn chứa Salbutamol hoàn toàn không dễ dàng để nhận biết.
Thịt bò chứa Salbutamol nguy hiểm thế nào?
Từ lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc đã liệt Salbutamol vào danh sách các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Biết là cấm nhưng nhiều nông dân, thương lái vẫn bất chấp cho bò, lợn sử dụng Salbutamol là để tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ... Hơn nữa còn làm cho thịt của chúng có màu đỏ tươi, đẹp mắt hơn.
Gia súc thường chỉ được sử dụng hóa chất tạo nạc này trong không quá 15 ngày trước khi xuất chuồng, bởi Salbutamol sẽ khiến cho xương động vật bị giòn. Khiến cho chúng bị gãy chân, xuất hiện những vết lở rỉ nước.
Đáng nói, chất tạo nạc Salbutamol vẫn có thể tồn dư trong thịt ngay cả khi đã chế biến. Chúng không bị hư hại bởi nhiệt độ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.
Nói về việc động vật bị chăn nuôi bằng thức ăn trộn Salbutamol, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Salbutamol là chất cấm trong chăn nuôi, nếu con người ăn phải chất này có thể bị tồn đọng nhiều chất độc gây hại. Từ đó, dẫn đến các cảm giác như chóng mặt, run tay chân, buồn nôn, tăng hoặc hạ huyết áp... Thậm chí việc tích tụ quá lâu, quá dài chất độc này có thể gây ngộ độc hoặc tăng nguy cơ ung thư, đau tim và gây tử vong.
Đi chợ thấy thịt lợn, thịt bò có 3 dấu hiệu sau đây thì không nên mua
Dù nhìn bằng mắt thường rất khó để nhận biết đâu là thịt chứa chất tạo nạc, đâu là thịt sạch... Song, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh vẫn khuyến cáo các bà nội trợ cần tránh những loại thịt có dấu hiệu sau đây.
1. Thịt không có độ đàn hồi
Thịt tươi ngon thường có độ đàn hồi cao. Ngược lại thịt chết lâu, thịt sử dụng chất tạo nạc có độ đàn hồi kém... khi ấn tay vào để lộ rõ vết lõm dính.
2. Thịt đỏ bất thường
Thịt sạch sẽ có lớp mỡ sáng bóng, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Ngược lại, thịt được nuôi bằng hóa chất tạo nạc sẽ có màu đỏ rực, bóng hơn bình thường. Thậm chí khi chế biến sẽ bị tách rời rõ rệt phần mỡ và phần nạc. Đặc biệt sau khi nấu chín, không còn cảm nhận được vị thơm đặc trưng của thịt nữa.
3. Thịt có mùi lạ
Nếu ra chợ thấy thịt bò, thịt lợn có mùi lạ, ôi thiu hay có mùi thuốc kháng sinh thì tốt nhất không nên mua.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/loai-thit-bo-chua-chat-cam-ma-who-canh-bao-chuyen-gia-chia-se-3-dau-hieu-khong-nen-mua-a46410.html