Tại hội nghị lão khoa Quốc gia lần thứ 5 diễn ra ngày 10 và 11-11, PGS-TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội lão khoa Việt Nam, cho biết người cao tuổi tại Việt Nam đang chịu nhiều gánh nặng bệnh tật.
Tuy tuổi thọ tăng nhưng trung bình mỗi người phải chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh phối hợp. Trung bình mỗi người sau 60 tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh và sau 80 tuổi mắc tới 7 bệnh.
PGS Nguyễn Trung Anh cảnh báo tình trạng người cao tuổi mắc nhiều bệnh mãn tính
Các bệnh thường gặp là: Mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), thoái hoá khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đây hầu hết là những bệnh phải điều trị suốt đời, thậm chí cần chăm sóc đặc biệt.
PGS Trung Anh cho rằng hiện nhiều người khi trẻ chưa quan tâm đến sức khỏe dẫn đến mắc nhiều bệnh về già. Khi người cao tuổi phát hiện các bệnh như: Tăng huyết áp, tiểu đường, xương khớp... thì có thể bệnh đã diễn biến từ 10 năm trước.
Chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cao gấp 7-10 lần người trẻ, trong khi trong khi thu nhập trung bình của người cao tuổi chỉ khoảng 537,9 ngàn đồng/tháng, chủ yếu từ bảo trợ xã hội, lương hưu; hơn 60% người cao tuổi có BHYT,
Khoảng 28% người cao tuổi cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như: Vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống; 90% số người cao tuổi cần trợ giúp sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, theo PGS Trung Anh hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) cũng như nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…).
Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện lão khoa Trung ương
Việt Nam là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2021 nước ta có 12,5 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,8%). Ước tính, năm 2038, người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số.
Các chuyên gia lão khoa cho rằng cần phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cho người cao tuổi thông qua phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (cho bệnh nhân Alzheimer); khu chung cư dành cho người già; từng bước phát triển các trung tâm ban ngày để cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, đa dạng các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi sống tại nhà như: Dọn nhà, đi chợ, cung cấp bữa ăn, điều dưỡng đến nhà chăm sóc, phục hồi chức năng...
Tại hội nghị lão khoa Quốc gia lần thứ 5, các diễn giả trong nước và quốc tế đến từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn để nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cập nhật những thay đổi mới nhất trong hệ thống chăm sóc người cao tuổi từ các quốc gia có nhiều kinh nghiệm về xây dựng hệ thống y tế lão khoa.
Đồng thời, cung cấp thông tin chuyên sâu về dự phòng, điều trị các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi như: Sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, parkinson, các bệnh lý tim mạch chuyển hóa, ung thư, bệnh cơ xương khớp, hô hấp... và phát triển chuyên ngành cấp cứu lão khoa.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/mot-nguoi-cao-tuoi-ganh-toi-7-benh-la-nhung-benh-gi-a46427.html