Ăn cá cách đây khoảng 1 tháng, không có dấu hiệu bị mắc xương nhưng anh T.M.H (33 tuổi, ở TP HCM) thấy đau bụng, sốt nhẹ kéo dài. Các biểu hiện của anh H. tưởng chừng như bình thường cho tới khi được phát hiện dị vật chui vào một chỗ khiến ai cũng bất ngờ.
Dồn dập tai nạn hy hữu
Biến cố hiếm gặp này ở anh H. là xương cá chui vào tụy (một nơi rất nguy hiểm trong chuyên khoa gan - mật - tụy, diễn tiến nhanh), nguy kịch tính mạng. Tai nạn kiểu này từ trước đến nay y học ít ghi nhận. Trước đó, anh H. nhập viện ở cơ sở y tế gần nhà với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, điều trị khoảng 1 tuần; sau đó về nhà nhưng cơn đau bụng vẫn âm ỉ kéo dài cả tháng.
Bệnh nhân bị xương cá chui vào tụy vừa được Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cứu chữa
Vào một buổi chiều, anh H. được đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP HCM) sau khi chịu hết nổi. Các bác sĩ cũng không tin vào mắt mình khi phát hiện bệnh nhân có xương cá chui vào tụy gây nên ổ áp xe kích thước 8x5 cm. Khẩn cấp xử trí tránh nhiễm trùng, qua hơn 1 giờ, các bác sĩ nội soi rút được xương cá dài 3 cm, dẫn lưu dịch mủ lẫn mô hoại tử liên tục và mất đến 1 tuần anh H. mới qua được "cửa tử".
BS chuyên khoa II Chung Hoàng Phương, Khoa Ngoại Tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định, cho biết thông thường các dị vật đường tiêu hóa như xương cá, tăm xỉa răng... sẽ gây rách, thủng, viêm ở vùng ổ bụng (như dạ dày, đại tràng, ruột non...), ít khi đi sâu được vào bên trong tuyến tụy. Áp xe tụy do xương cá hoặc vật lạ khác là một tình trạng hy hữu, rất nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
"Trường hợp này xương cá đã xuyên qua đường tiêu hóa và đến tuyến tụy dẫn đến viêm tụy, gây tổn thương, nhiễm trùng và hình thành áp xe. Nếu không xử lý kịp thời sẽ bị nhiễm trùng lây lan sang các mô và cơ quan xung quanh, biến chứng rất nguy hiểm" - BS Phương cảnh báo.
Vật thể lạ chui vào tụy đã là hy hữu nhưng lạc vào tim, phổi thì càng ẩn họa khôn lường. BS chuyên khoa II Cao Minh Thông, Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho hay mới đây đã cứu ca bệnh cũng ở TP HCM bị xương gà dài 6 cm chui vào phổi. Bệnh nhân bị ho, sốt, khạc đàm kéo dài nhiều ngày, gia đình đã đưa đi BV gần nhà nhưng tình trạng không cải thiện. Qua chụp CT, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị xẹp toàn bộ thùy dưới phổi bên phải, tràn khí màng phổi và "thủ phạm" là mảnh xương gà đâm ra.
Theo BS Thông, bị xương xuyên thủng màng phổi là hiếm thấy. May mắn được đưa đến BV kịp thời, bệnh nhân được bảo toàn chức năng phổi, tránh các biến chứng nguy hiểm sau khi dị vật được lấy ra.
Ai cũng đối mặt hiểm nguy
Tại các BV trên địa bàn TP HCM như BV 115, Chợ Rẫy, Tai Mũi Họng..., hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân hóc dị vật. BS chuyên khoa II Hoàng Bá Dũng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Chợ Rẫy, cho hay tai nạn thường gặp nhất là răng giả rớt vào đường thở, thực quản; ăn trứng vịt lộn vô tình nuốt trọn nguyên trứng; hóc xương cá, xương gà, xương heo vụn...
Chỉ riêng hệ thống BV Đa khoa Xuyên Á liên tục cấp cứu nhiều ca hóc dị vật bất thường. Ca bệnh đáng nhớ nhất là cố gắng gỡ cho được chiếc lưỡi câu móc sâu trong cổ họng một phụ nữ 68 tuổi ở Long An. Bệnh nhân đang ăn cơm với cá thì đột ngột bị hóc họng, nuốt đau, buông chén. Các bác sĩ xử trí cấp cứu lấy ra lưỡi câu còn có cọng cước dính theo. Tai nạn trong lúc chế biến cá, bệnh nhân không làm sạch ruột và do nhai bằng răng giả nên mới xảy ra sự cố. Theo BS chuyên khoa I Trương Ngọc Nhã, Trưởng Trung tâm Nội soi BV Đa khoa Xuyên Á, tùy lứa tuổi có thể gặp nhiều dị vật khác nhau, ở người lớn thường gặp là xương cá, hạt trái cây, răng giả; ở trẻ nhỏ là đồ chơi, pin, đồng xu...
Theo giới chuyên môn, dị vật chui vào nội tạng đã nguy hiểm song có người bị chui vào bộ phận khác cũng nguy hiểm không kém. Ca "bỏ quên" 2,5 cm đũa trong tai hơn 7 năm suýt điếc hiếm gặp được BV Tai Mũi Họng TP HCM cứu chữa mới đây là điển hình. Chị N.H.T (42 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng) trong lúc đi giao cơm bị tai nạn xe máy khiến một chiếc đũa ghim vào tai dẫn đến hôn mê. BV tỉnh rút chiếc đũa ra cứu qua nguy kịch nhưng cảnh báo bệnh nhân còn phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa để lấy hết dị vật còn ẩn sâu bên trong. Sợ việc phẫu thuật, nhiều năm qua chị T. sống chung với dị vật; khi đau, bị chảy mủ là chị ráng chịu đựng và tự mua thuốc uống. TS-BS Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP HCM, nhận định để dị vật trốn lâu trong tai như trường hợp này là rất hiếm gặp. Do phần đũa để quá lâu, thủng màng nhĩ, thính lực kém, sau khi lấy ra, điều trị nội khoa ổn định, các bác sĩ còn phải xử trí lần 2 chỉnh sửa, vá lại màng nhĩ mới cứu nguy cơ bị điếc, chưa kể biến chứng có thể "ăn" vào não.
Các bác sĩ khuyến cáo dị vật chui vào người là một trong những tai nạn nguy hiểm gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, khi ăn uống, cần phải cẩn thận nhai chậm, kỹ, đặc biệt là người lớn tuổi mất răng và trẻ nhỏ. Trong trường hợp nghi ngờ hóc xương hoặc các loại dị vật khác thì cần phải đến BV. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng và tiến triển các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết hoặc suy đa cơ quan.
"Với dị vật đường thở nếu không lấy ra kịp thời, người bệnh sẽ đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm phổi cấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, thậm chí tử vong do ngạt thở cấp" - BS Thông cảnh báo.
Những biến chứng thường gặp
Theo một nghiên cứu của BV Trường ĐH Y - Dược Huế, tại các quốc gia Đông Nam Á, dị vật thực quản xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Trong đó, dị vật xương cá thường gặp ở người lớn. Khoảng 1.500 trường hợp tử vong hằng năm ở Mỹ liên quan tai nạn này. Những biến chứng của dị vật thực quản bao gồm loét (21%), rách (15%), ăn mòn lòng thực quản (12%), thủng thực quản (2%) hoặc sự di chuyển của dị vật vào các vùng kế cận...
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/canh-bao-di-vat-chui-cho-hiem-a47144.html