Tuần qua, bà Nguyễn Thị Chi (60 tuổi, Hà Nội) thường xuyên túc trực ở bệnh viện để chăm sóc con gái Lê Quỳnh Mai (28 tuổi) bị sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm.
Lúc nhỏ, Mai từng bị sốt xuất huyết nên gia đình chủ quan con không mắc bệnh trở lại. Đến 13/11, Mai xuất hiệu dấu hiệu sốt cao liên tục, dù uống nhiều điện giải, thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm.
Ba ngày sau, thấy con ngày càng mệt, gia đình mới đưa đến bệnh viện trong đêm. Bác sĩ thông báo Mai mắc sốt xuất huyết, đã vào giai đoạn sốc, rất nguy hiểm.
Dù qua thời gian đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay nhưng số ca nặng liên tục tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bác sĩ Phạm Thanh Bằng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, gần đây đơn vị tiếp nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng như xuất huyết trong cơ, xuất huyết ở gan, vỡ nang buồng trứng, chảy máu ổ bụng, cô đặc máu.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cho truyền các chế phẩm máu, bù tiểu cầu, thở oxy.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra tình hình tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội.
Theo lý giải của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thông thường vào cuối mùa dịch tỷ lệ ca nặng gia tăng hơn so với đầu dịch.
Việc gia tăng ca mắc và xuất hiện nhiều trường hợp nặng không có gì bất thường, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết phía Bắc thời gian gần đây vẫn nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ.
Theo bác sĩ Cấp, khi bị sốt xuất huyết, tùy theo pha nào của bệnh mà xét nghiệm các chỉ số khác nhau. Ở 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính.
Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có sốt xuất huyết trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm âm tính, vẫn phải nghĩ là sốt xuất huyết, vì xét nghiệm ngày sau có thể lại dương tính. Khi tiếp nhận kết quả, chúng ta cần hiểu rõ đang ở giai đoạn nào của bệnh để biết được giá trị của xét nghiệm.
Chuyên gia cũng cho biết, biến chứng sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm, có người từ khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo đến khi sốc sốt xuất huyết chỉ diễn biến trong 4 đến 6 tiếng. Nếu sốc sốt xuất huyết không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Cấp nêu hai biến chứng thường gặp nặng của sốt xuất huyết là tình trạng cô đặc máu dẫn đến tụt huyết áp và sốc. Biến chứng thứ hai là biến chứng hạ tiểu cầu máu.
Trong đó biến chứng cô đặc máu thường gặp hơn và có diễn biến nhanh chóng, nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chứng hạ tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh và bác sĩ cần hết sức chú ý.
Tử vong do sốt xuất huyết chỉ là thứ yếu, còn nguyên nhân chủ yếu là do cô đặc máu thành mạch gây sốc sốt xuất huyết. Những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo bắt buộc phải nhập viện để theo dõi, điều trị bù dịch theo phác đồ.
Nếu chúng ta không nhận biết được sớm dấu hiệu cảnh báo, không điều trị đúng có thể diễn biến rất nhanh, dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu cảnh báo gồm tình trạng thoát dịch và tăng dẫn ống thành mặt. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, đau tức vùng gan, vật vã, li bì, lơ mơ.
Khi xét nghiệm máu có thể cho tình trạng cô đặc máu hoặc siêu âm có thể thấy thoát dịch màng phổi, màng bụng. Dấu hiệu của hạ tiểu cầu như chảy máu tự nhiên, chảy máu chân răng, rong kinh, chảy máu mũi, xét nghiệm máu cho thấy hạ tiểu cầu, vị bác sĩ cho biết thêm,
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố ghi nhận 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó 4 ca tử vong.
Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.826, hiện còn 159 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.
Đáng lưu ý, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết. Các chuyên gia nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều ca nặng.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/cuoi-mua-dich-ty-le-ca-sot-xuat-huyet-nang-tang-dot-bien-co-bat-thuong-a47374.html