Trước nay nhiều tranh cãi xoay quanh việc vo gạo trước khi nấu cơm. Không ít quan niệm cho rằng vo gạo quá kỹ làm mất đi các chất dinh dưỡng lớp ngoài hạt gạo như xơ, vitamin, sắt, kẽm... có lợi cho cơ thể. Còn nếu không vo gạo thì không làm sạch được chất bẩn bám trong gạo. Vậy quan điểm nào là đúng?
Vì sao nên vo gạo trước khi nấu cơm?
Báo Thanh Niên dẫn trang tin The Conversation (Úc) về một nghiên cứu của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Bắc Kinh (Trung Quốc) được công bố mới đây cho biết, dù có vo gạo hay không cũng không ảnh hưởng đến độ dính và dẻo của hạt cơm sau khi nấu chín.
Vì độ dính và dẻo của hạt cơm không phụ thuộc vào tinh bột bề mặt mà là do một dạng tinh bột khác gọi là amylopectin. Chúng sẽ hình thành trong quá trình nấu.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu nhận thấy vo gạo nhiều lần cũng hết sức cần thiết. Vo gạo không chỉ giúp rửa trôi bụi bẩn, vỏ trấu còn sót lại mà còn cả côn trùng và nhiều tạp chất khác. Điều này đặc biệt quan trọng khi quá trình xay xát và xử lý gạo ở một số nơi không thực sự tỉ mỉ.
Không những vậy, vo gạo cũng giúp rửa trôi hiệu quả lượng hạt vi nhựa trong gạo. Nghiên cứu cho thấy bất kể loại bao bì nhựa nào cũng đều để lại một lượng hạt vi nhựa nhất định trong gạo. Vo gạo có thể giúp giảm đến 40% lượng hạt vi nhựa trong gạo.
Trước đó các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, gạo có hàm lượng asen tương đối cao, do cây trồng hấp thụ nhiều asen hơn khi lớn lên. Vo gạo được chứng minh là có thể loại bỏ khoảng 90% lượng asen có thể tiếp cận được về mặt sinh học.
Ngoài ra, việc vo gạo không giảm được hàm lượng vi khuẩn trong nó. Số vi khuẩn này sẽ được tiêu diệt trong quá trình nấu chín gạo.
Điều đáng lo ngại hơn là quá trình bảo quản "cơm đã nấu chín trong nhiệt độ phòng" mà chúng ta quen gọi là cơm nguội.
Có nên ăn cơm nguội?
Trang Iflscience dẫn lời Evangeline Mantzioris, Giám đốc Chương trình Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng tại Đại học Nam Úc cho hay, cơm nấu chín không tiêu diệt được bào tử vi khuẩn từ mầm bệnh tên Bacillus cereus.
Nếu cơm nguội để quá lâu, điều này có thể kích hoạt các bào tử vi khuẩn để chúng bắt đầu phát triển. Sau đó, những vi khuẩn này tạo ra độc tố có thể gây ra bệnh đường tiêu hóa.
Do vậy, bạn cần tránh để gạo đã vo quá lâu mà không xử lý tiếp cũng như hạn chế ăn cơm nguội đã để một thời gian nhất định.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/vi-sao-nen-vo-gao-truoc-khi-nau-com-a48083.html