Phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền: Hét giá trong phòng mổ

Khi bệnh nhân "phơi mình" trên bàn phẫu thuật cũng là lúc nhân viên Phòng khám Đa khoa Tháng Tám báo giá các dịch vụ khám, xét nghiệm, điều trị từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng

Trong vai người bệnh yếu sinh lý, phóng viên Báo Người Lao Động vào website của Phòng khám Đa khoa Tháng Tám (số 74 Cách mạng Tháng Tám, quận 3, TP HCM) để tìm hiểu thông tin. Ngay lập tức, tôi được các nhân viên tư vấn trực tuyến nhắn tin mời chào với những lời lẽ có cánh như: phòng khám có nhiều chuyên gia bác sĩ đầu ngành, tay nghề cao, đang hành nghề tại các bệnh viện lớn. Đặc biệt, phòng khám bảo đảm việc bảo mật thông tin cho khách hàng.

Phòng khám vẽ bệnh, moi tiền: Hét giá trong phòng mổ - Ảnh 1.
Phòng khám vẽ bệnh, moi tiền: Hét giá trong phòng mổ - Ảnh 2.

Phòng khám Đa khoa Tháng Tám và kết quả xét nghiệm cho thấy phóng viên bị nhiễm nấm, vi khuẩn

Chưa khám lâm sàng đã xét nghiệm tới tấp!

Ít phút sau, phóng viên nhận được một cuộc điện thoại từ số 090186xxxx gọi tới đặt lịch hẹn, đồng thời cho biết giá khám bệnh là từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Đến phòng khám theo lịch hẹn, phóng viên được nhân viên dẫn vào thang máy, lên lầu 3. Sau một lúc ngồi chờ, phóng viên được gọi vào phòng khám. Tại đây có 2 phụ nữ khoác blouse trắng. Một người ngồi ở bàn hỏi tên, tuổi, địa chỉ, nội dung khám, triệu chứng bệnh. Phóng viên vừa trả lời xong, người này lập tức chỉ định hàng loạt kỹ thuật cận lâm sàng như: phết dịch quy đầu, xét nghiệm máu, nước tiểu, làm tinh dịch đồ và siêu âm ổ bụng.

Nói xong, thay vì đưa chỉ định cho bệnh nhân đi đóng tiền rồi mới khám, xét nghiệm như quy trình thường thấy ở các bệnh viện thì người này lại yêu cầu phóng viên lên giường nằm, cởi quần ra cho người khoác áo blouse trắng còn lại, xưng là bác sĩ Huyền, phết dịch quy đầu để xét nghiệm.

Hai lần báo giá trên giường bệnh

Khi phóng viên đã nằm trên giường trong tình trạng bán khỏa thân phần dưới thì nhân viên bên ngoài chốt giá khám bệnh như sau: Công khám bác sĩ chuyên khoa 200.000 đồng (không phải 50.000 - 100.000 đồng như báo giá trước đó); xét nghiệm (máu, nước tiểu) và siêu âm khoảng 600.000 - 800.000 đồng; tinh dịch đồ khoảng 300.000 - 500.000 đồng (kỹ thuật này phòng khám không làm mà gửi mẫu cho cơ sở khác làm, có kết quả sau).

Sau khi phết dịch quy đầu xong, phóng viên xuống quầy thu ngân để đóng tiền thì tại đây nhân viên thông báo chi phí khám tổng cộng 1,5 triệu đồng.

Khoảng 20 phút sau khi phóng viên được siêu âm, lấy máu, nước tiểu, tinh dịch, một nhân viên phòng khám cầm kết quả bảo đi theo. Tới thang máy, nhân viên này bấm lên lầu 6. Khi phóng viên hỏi đi đâu và xin được xem kết quả xét nghiệm thì người này xua tay: "Cứ lên gặp bác sĩ đọc xong đưa cho, gấp làm gì?".

Tới nơi, nhân viên phòng khám bảo phóng viên tháo giày, cất áo khoác, điện thoại và tư trang vào chiếc tủ và vào phòng tiểu phẫu 1. Vài phút sau, bác sĩ Huyền vào phòng, bảo "bệnh nhân" kéo áo lên cao, tụt quần xuống đầu gối và lên bàn phẫu thuật để khám tiền liệt tuyến.

Sau khi phóng viên làm theo hướng dẫn thì bác sĩ Huyền cùng một nữ nhân viên đặt vào giữa 2 chân một vật, bảo khép lại, rồi nhét vào lỗ tiểu một chiếc ống có kích thước tương đương ống hút nhựa và bơm vào một loại dung dịch mà không cho biết đó là gì.

Ít phút sau, bác sĩ Huyền cầm một ống xét nghiệm đựng chất lỏng, đưa đến đầu giường cho phóng viên xem và nói: "Thấy dịch của nó không? Thấy lợn cợn không? Tôi cho vô tiền liệt tuyến thì lấy ra nó như vậy!".

Phòng khám vẽ bệnh, moi tiền: Hét giá trong phòng mổ - Ảnh 3.

Bác sĩ Huyền "báo bệnh lẫn báo giá" cho người nhà phóng viên qua điện thoại

Hỏi xong, bác sĩ Huyền lấy ra một tài liệu có hình ảnh miêu tả các bộ phận trong ổ bụng như tiền liệt tuyến, bàng quang, tinh hoàn, ống dẫn tinh... rồi giảng giải các kiến thức chuyên môn liên quan.

Nếu như ở phòng khám lầu 3, bác sĩ Huyền tiết kiệm lời nói, tư vấn thì khi đưa "bệnh nhân" vào phòng tiểu phẫu thì lại nhiệt tình hẳn. Bác sĩ Huyền cho biết huyết áp của phóng viên ổn, bạch cầu hơi thấp rồi tiếp tục huyên thuyên: "Mẫu phết bao quy đầu cho kết quả bị nấm, dịch khuẩn, cầu khuẩn, khuẩn gram dương, âm, sinh lý yếu rồi thì để lâu nó liệt luôn. Đã rối loạn dương cương, 6 năm rồi muốn có con. Bệnh đủ thứ còn không muốn điều trị. Bó tay!".

Sau đó, bác sĩ Huyền đưa ra 3 mức giá để súc rửa, bơm thuốc vào tiền liệt tuyến gồm: loại thường 6 triệu, cao cấp 15 triệu và 20 triệu đồng. Phòng khám có nhận chuyển khoản hoặc cà thẻ. Chi phí điều trị nấm, khuẩn bằng kháng sinh là hơn 2 triệu đồng. Nếu phóng viên đồng ý thì thực hiện luôn, "để lâu bệnh nặng, khỏi sinh con".

Moi tiền không được, "ra tay" lạnh lùng

Lấy cớ không đủ tiền, phóng viên xin về. Thấy vậy, bác sĩ Huyền đề nghị và lấy giúp phóng viên điện thoại đang để trong tủ để gọi cho người thân hỏi mượn tiền. Gọi tới gọi lui, dù bác sĩ Huyền tích cực "báo bệnh lẫn báo giá" cho người nhà để gửi tiền vào cho phóng viên nhưng vay tới vay lui cũng chỉ được 5 triệu đồng nên phóng viên lại tiếp tục ngỏ ý muốn về. Chưa chịu buông tha, bác sĩ Huyền "chỉ cách": "Cứ vay thêm 3 triệu đồng, tổng cộng đóng 5 triệu đồng súc rửa tiền liệt tuyến đi. Phòng khám cho thiếu, hôm sau tái khám trả và đóng thêm".

Phần vì không muốn tốn tiền, phần vì chưa biết sẽ được bơm chất gì vào người nên phóng viên kiên quyết đòi về. "Phựt" - bác sĩ Huyền rút nhanh ống thông niệu đạo. Ngay lúc đó, một áp lực gây tức vùng hạ bộ khiến phóng viên vô cùng đau đớn.

Rút xong, mặc cho nước tiểu xịt ra trên cơ thể người bệnh, bác sĩ Huyền nhanh chóng tháo găng tay, lạnh lùng nói: "Về đi!".

Sau khi dùng giấy lau qua cơ thể, phóng viên chỉnh lại quần áo, lấy vật dụng tư trang và theo bác sĩ Huyền ra thang máy. Do không thực hiện đúng quy trình rút ống thông niệu đạo nên khi tới thang máy, phóng viên liên tục mắc tiểu và 2 lần "xin" bác sĩ Huyền chờ thang máy để đi vệ sinh.

Sau khi cho phóng viên quá giang thang máy xuống lầu 3, bác sĩ Huyền "ném" cho phóng viên kết quả xét nghiệm rồi bước thẳng vào phòng khám lầu 3 với thái độ khó chịu và yêu cầu phóng viên tự đi xuống lầu 1 bằng cầu thang bộ.

Không còn ai hỗ trợ, phóng viên phải đi cà nhắc từ lầu 3 xuống lầu trệt, tần ngần ra về. Gần tới cửa thì nhân viên lễ tân của phòng khám gọi giật để đòi lại thẻ mà phóng viên đang đeo trên cổ nhưng lại "quên" dặn trở lại lấy kết quả tinh dịch đồ hoặc tư vấn phải làm gì nếu về nhà có biểu hiện bất thường, cần nghỉ ngơi như thế nào.

Bệnh viện Bình Dân: Chỉ số bình thường, không nấm

Để đối chứng với kết quả của Phòng khám Đa khoa Tháng Tám, trước đó 1 ngày, phóng viên đã đi khám, xét nghiệm, siêu âm tại Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân (TP HCM). Kết quả cho thấy sức khỏe phóng viên bình thường. Chưa kể, phóng viên đã có 1 con trai và vợ đang mang thai tháng thứ 5.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng (Bệnh viện Bình Dân) nhận định kết quả phân tích nước tiểu của phóng viên tại Phòng khám Đa khoa Tháng Tám và kết quả làm xét nghiệm tại Bệnh viện Bình Dân đều cho thấy các chỉ số bình thường, không bị nhiễm nấm.

Trong khi đó, kết quả vi sinh dịch bao quy đầu của phóng viên mà Phòng khám Đa khoa Tháng Tám thực hiện lại kết luận phóng viên nhiễm nấm, vi khuẩn Bacilli, cầu khuẩn Cocci…

"Lâm sàng bình thường, xét nghiệm máu, nước tiểu cũng không có nấm, vậy tại sao phết bao quy đầu có nấm, có cầu khuẩn…? Để cho ra kết quả khẳng định nấm bao quy đầu thì phải nuôi cấy, soi nhuộm chứ không phải phết bao quy đầu. Vì vậy, kết quả vi sinh trên không phù hợp với lâm sàng, kết quả xét nghiệm nước tiểu" - bác sĩ Dũng khẳng định.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-11

Người có chuyên môn không ai làm thế!

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho biết trong quá trình tham gia cùng đoàn công tác của Sở Y tế TP HCM kiểm tra các phòng khám, các bác sĩ đã đặt vấn đề về việc hút dịch niệu đạo là phương pháp bị nhiều phòng khám lạm dụng với nhiều trường hợp bệnh nhân, trong khi nó chỉ thực hiện khi bệnh nhân bị viêm tiền liệt tuyến.

"Để lấy dịch, thông thường phải massage tuyến tiền liệt, sau đó vuốt dọc niệu đạo tiền liệt tuyến để đưa dịch ra ngoài chứ không phải đưa ống vô hút. Việc đưa ống vô niệu đạo khám tiền liệt tuyến là sai về chuyên môn. Cách làm này có nguy cơ làm tổn thương niệu đạo và tiền liệt tuyến" - bác sĩ Dũng cảnh báo.

Khi phóng viên mô tả cảm giác đau đớn sau khi bác sĩ Huyền rút ống thông niệu đạo, bác sĩ Dũng cho biết quy trình rút ống đúng là phải xả hết bóng foley và nước tiểu để tránh tổn thương niệu đạo chứ không phải rút ngang như vậy.

"Trong bản ghi âm mà phóng viên cung cấp thì tôi nghe cô nhân viên phòng khám vừa là người tư vấn vừa là người thực hiện bảo đưa ống vô niệu đạo khám tiền liệt tuyến là không đúng. Không biết cô này có kiến thức và chuyên môn về niệu đạo không? Chứ người có chuyên môn không ai làm thế?" - bác sĩ Dũng nhận định.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/phong-kham-ve-benh-moi-tien-het-gia-trong-phong-mo-a48161.html