Đó là một trong những nội dung tại Tờ trình "Ban hành Nghị quyết quy định chính sách đặc thù cho một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em cần có sự can thiệp khẩn cấp và trẻ em bị tai nạn thương tích nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội", do UBND TP. Hà Nội trình HĐND thành phố.
Theo đề xuất, các đối tượng được hưởng trợ cấp bao gồm:
- Trẻ bị xâm hại xảy ra trên địa bàn thành phố (gồm trẻ bị bạo lực, bị bóc lột, bị xâm hại tình dục, bị mua bán và trẻ bị xâm hại bằng các hình thức gây tổn hại khác).
- Trẻ em sinh sống trên địa bàn thành phố thuộc gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở.
- Trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trẻ em bị tai nạn thương tích (trẻ em bị tử vong do các loại hình tai nạn thương tích; trẻ em bị tai nạn, thương tích nghiêm trọng mà mức độ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên). Các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trẻ em bị tai nạn thương tích nghiêm trọng trong các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng được lãnh đạo thành phố đi thăm.
- Trẻ em khuyết tật nhẹ.
- Trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo hoặc cha/mẹ/người nuôi đường thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định; trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày đang sống tại các sơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Sở LĐTB&XH có khám chữa bệnh theo chính sách BHYT.
Theo đề xuất, chính sách hỗ trợ gồm:
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thăm trẻ bị thương trong vụ cháy chung cư mini
Đối với trẻ bị xâm hại sẽ được hỗ trợ một lần bằng tiền mặt 11 triệu đồng/trẻ em/vụ xâm hại.
Đối với trẻ em sinh sống trên địa bàn thành phố thuộc gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng được hỗ trợ một lần số tiền 11 triệu đồng/trẻ em/vụ việc.
Đối với trẻ bị tai nạn thương tích được hỗ trợ một lần bằng tiền là 11 triệu đồng/trẻ em/vụ việc.
Trường hợp các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, thành phố ban hành cũng có nội dung quy định tại Nghị quyết này thì đối tượng chỉ được hưởng hỗ trợ theo mức cao nhất.
Đối với trẻ bị xâm hại, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trẻ em bị tai nạn thương tích nghiêm trọng trong các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, UBND thành phố sẽ quyết định mức hỗ trợ nhưng không quá 30 triệu đồng/trẻ.
Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em khuyết tật nhẹ sẽ được trợ cấp xã hội hằng tháng với hệ số 1, mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định. Đồng thời, trẻ được cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em khuyết tật nhẹ từ đủ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Đối với trẻ bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo hoặc cha/mẹ/người nuôi dưỡng thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định, có khám chữa bệnh theo chính sách BHYT và trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày đang sống tại các Cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Sở LĐTB&XH: Hàng tháng được trợ cấp xã hội theo hệ số 2,5 đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày dưới 4 tuổi; trợ cấp theo hệ số 1,5 đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày từ đủ 4 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi.
Ngoài ra, trẻ còn được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền đi lại (lượt đi và về) từ nơi ở đến nơi khám, chữa bệnh.
UBND TP. Hà Nội dự kiến kinh phí để thực hiện hỗ trợ các đối tượng trên là hơn 33 tỷ đồng/năm. Trong đó, kinh phí thành phố cấp gần 1,8 tỷ/năm, kinh phí cấp huyện gần 32 tỷ/năm.
Dự kiến, nội dung trên sẽ được HĐND TP. Hà Nội xem xét, biểu quyết tại kỳ họp thứ 14, được tổ chức đầu tháng 12/2023.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tre-mac-benh-hiem-ngheo-dieu-tri-dai-ngay-se-duoc-tro-cap-hang-thang-a48289.html