Ngày 11/12, đại diện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang tích cực điều trị cho một sản phụ bị vỡ tử cung, vỡ bàng quang, băng huyết sau sinh.
Thông tin ban đầu cho biết, vào chiều 8/12, bệnh nhân L.T.C. (SN 1986, trú tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với tình trạng mạch nhanh khó bắt, chỉ số shock lớn hơn 3, âm đạo ra máu nhiều.
BS.CKII. Lê Thị Ánh Nguyệt, Phó Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân C. bị shock choáng mất máu do băng huyết sau sinh...
Quá trình hồi sức, các bác sĩ phát hiện, bệnh nhân bị vỡ tử cung, vỡ bàng quang. Trước tình hình này, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lập tức báo động đỏ, tập trung nhân lực để thực hiện mổ cấp cứu cho bệnh nhân C.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng, các bác sĩ đã phải cắt toàn bộ tử cung, khâu phục hồi bàng quang, truyền 7 đơn vị hồng cầu khối, 11 đơn vị huyết tương đông lạnh để cứu bệnh nhân C. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên ghi nhận bệnh nhân bị mất tổng lượng máu là 2.600ml .
Sau phẫu thuật, đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị sát sao.
“Băng huyết sau sinh và vỡ tử cung là tai biến trong sản khoa, nếu không được xử lý kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao” – bác sĩ Nguyệt cho hay.
Ngồi thất thần trước khoa Phụ sản, ông Phạm Thanh H. (SN 1974, chồng sản phụ C.) cho biết, kết quả trong quá trình khám thai định kỳ thể hiện vợ ông và thai nhi đều khỏe mạnh. Tối 7/12, khi đến Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) chờ sinh, bác sĩ cũng đưa bà C. đi siêu âm nhưng không phát hiện bất thường.
Tuy nhiên, khoảng 11h ngày 8/12, bác sĩ bế con trai ông từ phòng sinh ra và bảo cháu bị ngạt nên phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu. Lúc này, ông H. hốt hoảng, hỏi vợ mình có sao không thì được trả lời “mẹ khỏe”.
Thế nhưng, khi ông và con trai vừa Đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và đang làm thủ tục nhập viện thì nhận được thông tin từ người nhà cho biết, vợ ông cũng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để cấp cứu. Đến thời điểm hiện tại, ông H. vẫn không khỏi lo ngại về tình trạng sức khỏe của con và vợ.
Liên quan đến sự việc xảy ra với sản phụ C., chiều 12/11, PV Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với BS.CKI. Đoàn Quốc Đỉnh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn.
Bác sĩ Đỉnh cho hay, vào lúc 23h45’ ngày 7/12, sản phụ C. nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn để sinh con, thai đủ tháng. Đây là lần sinh thứ tư của sản phụ, các lần trước đều sinh thường.
Sau kiểm tra, bác sĩ cho theo dõi để sinh thường. Đến 8h ngày 8/12, sản phụ chuyển dạ. Trước khi lên bàn sinh, sức khỏe của sản phụ bình thường, em bé có tim thai.
Tuy nhiên, đến khoảng 9h cùng ngày, trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ phát hiện thai suy, không có tim thai nên buộc phải can thiệp bằng kỹ thuật Forcep để kéo thai nhi ra. “Sau khi được kéo ra khỏi bụng mẹ, cháu bé bị ngạt. Do đó, các bác sĩ tiến hành hồi sức, đặt ống thở và nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên” – bác sĩ Đỉnh cho hay.
Về phía sản phụ C., khoảng 4 giờ sau sinh, xuất hiện tình trạng tụt huyết áp. Qua khám ban đầu, bác sĩ nghi bệnh nhân bị đờ tử cung, tiên lượng vỡ hoặc rách tử cung. Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành hồi sức nâng huyết áp lên và nhanh chóng chuyển lên Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên.
Khi được hỏi về trường hợp mẹ con sản phụ C., Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn khẳng định, đây là một tai biến sản khoa. Về nguyên nhân sản phụ bị vỡ tử cung, bác sĩ Đỉnh cho biết, vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể.
Đối với việc bệnh nhân bị rách bàng quang, bác sĩ Đỉnh khẳng định, đây là lỗi của y tế trong quá trình can thiệp bằng thủ thuật Forcep.
“Qua quá trình rà soát hồ sơ, cán bộ y tế của chúng tôi đã theo dõi đủ, kịp thời, sát sản phụ. Đồng thời, cán bộ được phân công phụ trách thực hiện có chuyên môn, đủ cán bộ y tế và xử trí các tai biến kịp thời. Tuy nhiên, quá trình can thiệp thủ thuật có thể có tỉ lệ bị tai biến. Sự việc xảy ra không ai mong muốn. Đơn vị chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về những lỗi mà đơn vị đã gây ra, chứ không thoái thác. Đồng thời, phối hợp, chia sẻ với người nhà giải quyết các bồi hoàn từ phía gia đình yêu cầu, nếu có” – bác sĩ Đỉnh nhấn mạnh.
BS.CKII. Nguyễn Đức Toàn, Trưởng đơn nguyên sơ sinh của Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, bé trai con bà L.T.C. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào lúc 12h13’ ngày 8/12 trong tình trạng nằm im, bóp bóng có ô xi qua nội khí quản, mạch quay nhẹ, da nhuộm phân su, SPO2 (độ bão hòa ô xi) 75% trong khi bình thường là trên 95%, phổi nghe ran ẩm 2 phế trường, rốn úa vàng.
Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán suy hô hấp độ IV/nhiễm trùng huyết sơ sinh/theo dõi bệnh não thiếu ô xi. Đến nay, sau 3 ngày được cấp cứu, điều trị tích cực, bệnh nhi đã được cai máy thở, đang thở ECPAD qua nội khí quản. Hiện tại, môi của bệnh nhi hồng hào, nhịp tim 140 lần/phút, SPO2 97%, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có cải thiện so với lúc vào viện.
Bác sĩ Toàn cho biết, hiện bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi sát sao và điều trị tích cực.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/mo-cap-cuu-cho-san-phu-bi-vo-tu-cung-bang-quang-a48993.html