Trong vai người bệnh mua thuốc, phóng viên Báo Người Lao Động mua kháng sinh tại một số nhà thuốc trên địa bàn quận 1, 3 và TP Thủ Đức.
Kiểu nào cũng có
Dù không có đơn thuốc của bác sĩ, chúng tôi ghé nhà thuốc An Khang (địa chỉ 343-345 Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức) để mua thuốc Effixent 0,2 và Zinnat 0,5mg. Đây là những loại kháng sinh được bán theo chỉ định của bác sĩ. Nhanh, gọn, lẹ và không cần biết chúng tôi mua thuốc làm gì, nhân viên nhà thuốc thực hiện công việc của mình. Đề nghị tôi ghi rõ tên thuốc, chủng loại (mg) và lấy bao nhiêu viên, uống mấy ngày, nhân viên tới khu vực trưng bày thuốc kê đơn lấy 2 hộp Zinnat 500mg (trên vỏ hộp ghi thuốc bán theo toa) đang bóc dở lấy thuốc ra bán mà mặc nhiên không có thắc mắc, đòi hỏi gì về toa bác sĩ.
Đề nghị bán cho 2 ngày uống, chúng tôi được nhân viên nhà thuốc nhanh chóng lấy ra 4 viên Zinnat 500 cho vào túi ni-lông, kèm theo mảnh giấy "hướng dẫn sử dụng" có kích thước khoảng 2,5 x 4cm với nội dung sơ sài (sáng v…, trưa v…, chiều v…) và uống thuốc sau khi ăn. Tổng số tiền thanh toán là 103.000 đồng.
Trong khi đó, thuốc Zinnat Tablets 500mg là tiền chất dạng uống của Cefuroxim, kháng sinh diệt khuẩn nhóm Cephalosporin, bền vững với hầu hết beta-lactamase và có hoạt phổ rộng đối với vi khuẩn gram âm, gram dương. Thuốc được chỉ định điều trị những người bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra như nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, hô hấp dưới (viêm phổi, viêm phế quản..), nhiễm khuẩn sinh dục, niệu đạo, mụt nhọt.... Đáng lưu ý, Zinnat 500mg chỉ dùng 2 lần/ngày cho bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới nặng hơn hoặc nghi ngờ viêm phổi và trên người bệnh Lyme, trên 12 tuổi, trong vòng 14 ngày (10-21 ngày). Riêng bệnh lậu thì chỉ dùng 1g/lần/ngày.
Tại nhà thuốc Pharmacity (số 243 Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, quận 3), khi chúng tôi hỏi mua thuốc trị viêm họng, nhân viên tại nhà thuốc lấy cho 4 liều, chia ra 2 gói nhỏ, 1 gói/ngày. Mỗi gói 5 loại thuốc, trong đó có Enervon 500mg là vitamin C. Nhân viên nhà thuốc Pharmacity khẳng định thuốc không cần theo toa. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy trong 4 thuốc còn lại, 1 loại thuốc con nhộng có 1/2 màu xanh nõn, 1/2 viên còn lại thì nhạt hơn không có tem, nhãn, tên thuốc, hàm lượng. Có 2 loại thuốc không kê đơn là Telfast BD60 và Becacold.
Đáng nói là trong các loại thuốc chúng tôi mua có loại thuốc tên Prednisone 5mg do Domesco sản xuất. Thuốc Prednisone được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như viêm khớp, rối loạn máu, các vấn đề hô hấp, bệnh về da, mắt và rối loạn hệ thống miễn dịch... Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì đây là thuốc kê toa và sản phẩm này chỉ bán khi có chỉ định của bác sĩ.
Cũng tại nhà thuốc Pharmacity có một bệnh nhân trước đó đã mua thuốc viêm họng về uống và thấy đỡ, nên lần này ra mua về uống tiếp. Nhân viên nhà thuốc tra máy tính và lấy thuốc bán cho bệnh nhân này.
Hàng không nhãn mác cũng "lên kệ"
Tương tự, tới nhà thuốc Á Châu 3 (trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức) mua thuốc viêm họng, chúng tôi được đáp ứng. Điều đáng nói là 2/4 loại thuốc được nhân viên nhà thuốc cho biết là kháng viêm nhưng không có nhãn mác. Có loại thuốc màu trắng còn được bẻ đôi (để mỗi lần dùng nửa viên). Thậm chí, có 1 loại thuốc màu hồng có ký hiệu như cửa sổ nhưng không rõ tên, hàm lượng, cách thức sử dụng cũng không có. Tổng cộng hết 39.000 đồng.
Nhà thuốc Á Châu 3 (trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức) - nơi phóng viên Báo Người Lao Động đến mua thuốc viêm họng
Hiện nay, chỉ cần lên mạng đặt và cú click mua thuốc là "thượng đế" được đáp ứng ngay, được giao hàng tận nơi mà khỏi cần trình toa.
Trong vai người mắc bệnh lậu, cần mua thuốc Erythromicin 500mg, chỉ vài lần "bấm bấm", chúng tôi đã hoàn tất việc đặt giỏ hàng với hệ thống nhà thuốc Long Châu. Dù không gửi toa thuốc nhưng đúng như cam kết, tầm hơn 10 phút sau khi đặt hàng, chúng tôi nhận được một cuộc gọi tới hỏi thông tin. Sau khi chốt giá và xác định chi phí thanh toán là 18.000 đồng tiền thuốc và 25.000 đồng giao nhận, khoảng 20 phút sau shipper đã có mặt giao hàng 1 vỉ 10 viên. Theo tìm hiểu, thuốc Erythromicin 500mg được nhà sản xuất ghi rõ trên hướng dẫn sử dụng với nội dung là thuốc chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.
Theo các chuyên gia y tế, việc mua bán thuốc không cần bác sĩ kê toa, không rõ bệnh lý, không lâm sàng, không cần biết cân nặng, tuổi tác, không cần biết người bệnh có đang sử dụng các thuốc khác hay không sẽ đem đến nhiều hệ lụy cho bệnh nhân và ngành y tế. Tuy nhiên, các quy định, cảnh báo gần như vô hiệu.
Cảnh báo lạm dụng kháng sinh thế hệ 3
Theo Bộ Y tế, hiện nay việc quản lý thuốc kê đơn nội trú được kiểm soát khá chặt chẽ qua áp dụng hình thức kê đơn điện tử, giảm nhiều sai sót. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc ngoại trú vẫn chưa tốt. Vì thế còn tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất. Nội dung ghi đơn hướng dẫn sử dụng thuốc còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, thời điểm dùng.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cảnh báo tình trạng sử dụng, mua bán thuốc không có toa của bác sĩ còn khá phổ biến. Người dân vẫn tự ý điều trị kháng sinh, uống thuốc không đúng quy định, không đúng phác đồ. Trong khi đó, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh thế hệ 3. Thống kê cho thấy trong hơn 5 năm qua, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp 2 lần.
Thuốc mua tại nhà thuốc Á Châu 3 không nhãn mác và bị bẻ đôi
Để ngăn chặn mối đe dọa không có thuốc chữa được bệnh do vi khuẩn kháng thuốc gây ra, Bộ Y tế yêu cầu tới đây các nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt) cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera để quản lý việc bán thuốc theo đơn. Cục Quản lý dược cần sớm thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn. Đồng thời, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, bảo đảm công tác khám chữa bệnh, an toàn cũng như giảm gánh nặng cho người dân.
"Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa". Đây là lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới và Việt Nam hưởng ứng tham gia hành động quốc gia về chống kháng thuốc.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/de-dai-trong-mua-ban-su-dung-khang-sinh-a49013.html