Khi phát hiện bất thường, người dân nên đến bệnh viện khám sớm để bác sĩ kịp thời chẩn đoán, điều trị. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam có xu hướng gia tăng. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Do đó, nhiều người tìm đến các gói tầm soát ung thư nhằm phát hiện bệnh sớm. Đáng chú ý, có quan điểm cho rằng tầm soát giá càng cao càng hiệu quả.
Trả lời vấn đề trên BS CK2 Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP HCM) cho biết quan điểm trên không đúng. Muốn hiệu quả thì phải tầm soát đúng.
Theo bác sĩ Vũ, ung thư hiện nay là một đại dịch. Tuy nhiên, mỗi nước lại có đặc điểm riêng, chẳng hạn ung thư tiền liệt tuyến là ung thư hàng đầu tại Mỹ và châu Âu nhưng ít gặp ở Việt Nam. Do đó, áp dụng nguyên chương trình tầm soát từ nước ngoài vào Việt Nam có thể không mang lại hiệu quả.
Bác sĩ Vũ lưu ý, không lạm dụng và quá tin tưởng vào các xét nghiệm. Vì hiện nay không có một xét nghiệm nào giúp pháp hiện chính xác tuyệt đối ung thư.
Một ví dụ khác là tầm soát sai hướng, điển hình là siêu âm bướu cổ (tuyến giáp) nhằm tầm soát ung thư tuyến giáp. Trong khi đó, ung thư giáp là loại ung thư có diễn tiến rất chậm, rất nhiều người bị khối u nhưng không cần điều trị và vẫn chung sống hòa bình với nó trong nhiều năm.
"Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy sau thời gian đầu đẩy mạnh siêu âm bướu cổ họ phát hiện rất nhiều trường hợp ung thư giáp nhưng sau 15 năm theo dõi họ nhận thấy không hề cải thiện về tiên lượng của bệnh lý này. Điều đó có nghĩa là rất nhiều bệnh nhân đã bị chẩn đoán và điều trị không cần thiết, gây tốn kém và biến chứng đáng tiếc cho bệnh nhân mà không mang đến lợi ích nào khác" – bác sĩ Vũ dẫn chứng.
Bác sĩ Vũ cho biết hiện nay, không có bất kỳ một cơ quan, hiệp hội y khoa nào khuyên nên tầm soát ung thư tuyến giáp bằng siêu âm. Nạn "dịch bướu cổ" hiện nay hoàn toàn là do nhân viên y tế gây ra và không giúp ích gì cho người dân ngoài biến chứng, tốn kém và lo lắng.
Theo bác sĩ Vũ, để tầm soát ung thư có một số xét nghiệm như phết tế bào, siêu âm, chụp X-quang tuyến vú, nội soi ruột già…
Một số loại ung thư nên tầm soát hiện nay như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư ruột già, phổi … Tuy nhiên, để tiến hành tầm soát ung thư trên diện rộng thì phải tùy vào đặc điểm bệnh tật và phương tiện; cơ sở hạ tầng của mỗi nước. Điều này phải nhờ đến Bộ Y tế hoặc các tổ chức lớn có kế hoạch trang bị đồng bộ, theo dõi, đánh giá sau tầm soát.
Chẳng hạn muốn tầm soát ung thư vú đúng chuẩn thì phải có siêu âm vú và máy X-quang tuyến vú. Bên cạnh đó, không thể thiếu đội ngũ kỹ thuật viên, bác sĩ chuyên khoa hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa ung bướu, giải phẫu bệnh để khi phát hiện bất thường sẽ tiếp tục xử trí và theo dõi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc có đầy đủ ê kíp và phương tiện như vậy không phải địa phương nào cũng làm được.
"Duy trì lối sống khỏe mạnh, chích ngừa viêm gan siêu vi B và virus gây u nhú (HPV) là cách tốt giúp giảm nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Chú ý đến những thay đổi của cơ thể như khối u ở vú hoặc ra máu âm đạo bất thường, đi cầu ra máu… để đến bệnh viện khám sớm là cách tốt để bảo vệ cơ thể" – bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/truong-khoa-ung-buou-luu-y-quan-trong-ve-tam-soat-ung-thu-a49178.html