Về thăm huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng dịp cuối năm, mặc dù thời tiết giá lạnh, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều nơi người dân địa phương rủ nhau ra đồng lựa đất đẹp về để dành dùng làm pháo đất đánh chơi dịp Tết đến, Xuân về.
Trao đổi với Người Đưa Tin về trò chơi dân gian đánh pháo đất nổi tiếng của quê hương, ông Lê Văn Ứng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, chia sẻ, người dân xã Tân Liên nói riêng, nhiều xã trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo nói chung, có các “dị bản” về nguồn gốc ra đời của pháo đất.
Trong số đó, được biết đến nhiều nhất, khi xưa, lúc đánh giặc, quân lính của nữ tướng Lê Chân đã biết dùng tiếng pháo đất để dọa giặc. Mỗi khi đêm xuống, nghe thấy tiếng pháo đất nổ lớn, quân giặc hoảng hồn, mất ăn mất ngủ dẫn tới suy kiệt sức lực.
Sau này, người dân xã Tân Liên nói riêng, huyện Vĩnh Bảo nói chung, đã học được cách làm pháo đất để đánh chơi tại các lễ hội đầu Xuân. Đặc biệt thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới, tiếng pháo đất được tin tưởng xua đi điềm gở, đón sự may mắn, tốt lành.
Vì thế, không kể trai gái, già trẻ, cứ lúc rảnh rỗi hay nông nhàn, lại cùng nhau chọn đất ngoài ruộng, dưới sông nặn thành những quả pháo đất, từ nhỏ bằng lòng bàn tay, đến lớn cỡ vanh nong, nia, để đánh chơi. Mỗi năm một lần, hàng tổng lại tổ chức hội thi đánh pháo đất giữa các làng, các hội chơi với nhau.
Tiếp nối truyền thống, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho người dân cũng như thu hút khách du lịch, từ năm 2011 đến nay, năm nào UBND xã Tân Liên cũng tổ chức hội thi pháo đất vào thời điểm thích hợp, nhất là dịp đầu Xuân.
Không chỉ xã Tân Liên, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo vẫn duy trì có trò chơi dân gian đánh pháo đất, như các xã: Vĩnh An, Giang Biên, Việt Tiến, Hiệp Hòa, An Hòa, Hùng Tiến, Trung Lập, Hưng Nhân, Thắng Thủy…
Mỗi địa phương lại có loại pháo đất đặc trưng riêng. Người dân xã Thắng Thủy thường chơi loại pháo thuyền không xương. Người dân các xã Hiệp Hòa, An Hòa, Hùng Tiến và Trung Lập chơi pháo đơn. Còn pháo tép, thường được người dân xã Hưng Nhân làm chơi. Người dân các xã Vĩnh An, Tân Liên, Giang Biên và Việt Tiến ưa chơi pháo thuyền có xương.
Vượt khỏi lũy tre làng, pháo đất huyện Vĩnh Bảo nổi tiếng và được biết đến khắp trong và ngoài Tp.Hải Phòng. Vì thế, mỗi dịp Xuân mới, nhiều người lại tìm về quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để thỏa ước nguyện được xem đánh pháo đất, lắng nghe tiếng pháo giòn giã vui tai cũng như trải nghiệm làm và tự tay đánh pháo đất với người dân địa phương.
Theo ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, huyện nhà thường xuyên tổ chức hội thi pháo đất giữa các xã trong huyện để kích cầu du lịch cũng như giữ gìn nét văn hóa truyền thống quý giá của quê hương.
Sau khi Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Múa rối nước Nhân Hòa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính quyền huyện Vĩnh Bảo nghiên cứu, xem xét thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với trò chơi đánh pháo đất truyền thống của quê hương.
Một số hình ảnh trò chơi dân gian đánh pháo đất tại huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng:
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hai-phong-doc-dao-tro-choi-phao-dat-tren-que-huong-trang-trinh-a50128.html