Trẹo cổ chân, không đi lại được phải làm gì?

Lật cổ chân hay trẹo cổ chân là chấn thương thường gặp ở người chơi thể thao, đặc biệt là các môn vận động mạnh như đá bóng, bóng rổ, bóng chuyền… Đôi khi chấn thương này cũng có thể gặp trong sinh hoạt đi lại hằng ngày.

Lật cổ chân hay trẹo chân là chấn thương thường gặp - Ảnh minh họa

Lật cổ chân hay trẹo chân là chấn thương thường gặp - Ảnh minh họa

Nhiều người vẫn truyền tai nhau mẹo chữa trẹo cổ chân bằng cách để người phụ nữ mang thai lần đầu (con so) giẫm vào chân sẽ khiến tình trạng được cải thiện. Thực tế, nhiều trường hợp trẹo chân ở mức độ nhẹ có thể tự bình phục nhanh chóng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trẹo cổ chân gây đau đớn kéo dài, hạn chế vận động ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Vậy phải làm gì khi không may gặp phải chấn thương này?

Theo bác sĩ Mai Đắc Việt - khoa phẫu thuật khớp, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lật cổ chân hay lật sơ mi cổ chân là tình trạng chấn thương mặt ngoài cổ chân gây giãn, rách hoặc đứt dây chằng bao quanh vùng cổ chân. Khi đi khám, bệnh nhân thường được chẩn đoán là bong gân cổ chân.

"Đây là chấn thương thường gặp với người chơi thể thao, nhất là các môn vận động mạnh như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, tennis, cầu lông thường do khởi động không kỹ.

Đôi khi cũng có thể gặp trong sinh hoạt bình thường hằng ngày như ngã xe, trượt chân, đặc biệt khi đi giày cao gót", bác sĩ Việt cho hay.

Tho bác sĩ Việt, trong giai đoạn cấp tính, chấn thương do trẹo chân gây cho người bệnh nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Biểu hiện dễ gặp nhất là sưng, bầm tím ở vị trí cổ chân. Người gặp chấn thương sẽ có cảm giác đau khi chạm vào mắt cá chân, đặc biệt là khi chịu lực lên chân chấn thương. Cổ chân bị hạn chế vận động do đau và sưng nề.

"Nếu chấn thương nặng, không được điều trị đúng cách trong giai đoạn cấp tính, chấn thương có thể gây đau dai dẳng và mất vững khớp cổ chân cho cổ chân", bác sĩ Việt cảnh báo.

Để hạn chế những biến chứng sau chấn thương, ngay khi gặp chấn thương cần áp dụng ngay nguyên tắc P.R.I.C.E:

- Protect: Cố định khớp cổ chân bằng nẹp.

Tái tạo bàn tay từ 2 ngón chân cho người phụ nữ bị chấn thương phức tạpTài năng bóng rổ Đà Nẵng hồi phục thần tốc sau chấn thương nặngBé gái chấn thương tay hướng dẫn bạn cách quật ngã đối thủ

- Rest: Hạn chế tì nén chân đau. Có thể sử dụng nạng hỗ trợ khi đi lại.

- Ice: Chườm túi nước đá lên vùng sưng đau nhiều lần sau chấn thương, mỗi lần 10 - 20 phút trong 24 - 72 giờ đầu.

- Compression: Dùng băng thun băng ép nhẹ cổ chân trong 24 - 36 giờ đầu.

- Elevation: Ngồi hoặc nằm kê chân cao 2 - 3 giờ mỗi ngày.

Nhiều người sau khi chấn thương sẽ dùng dầu nóng xoa bóp, rượu thuốc…, theo bác sĩ Việt không nên làm như vậy. Việc xoa bóp dầu nóng, thuốc rượu, đắp muối sẽ làm bầm tím nhiều hơn và không tốt cho hồi phục dây chằng.

"Tùy vào mức độ tổn thương, người bệnh có thể được điều trị bảo tồn hoặc điều trị phẫu thuật bởi các bác sĩ chuyên khoa. Mục tiêu điều trị là giảm đau và sưng, thúc đẩy quá trình chữa lành dây chằng và phục hồi chức năng của mắt cá chân.

Đối với chấn thương nặng, bệnh nhân nên đến khám tại chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình để có được sự tư vấn và điều trị tốt nhất ngay từ giai đoạn cấp tính", bác sĩ Việt khuyến cáo.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/treo-co-chan-khong-di-lai-duoc-phai-lam-gi-a50202.html