Hệ miễn dịch yếu, nhiều bệnh nền: Cần đặc biệt cẩn trọng
Bác sĩ Ngô Thế Hoàng - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - cho biết thời điểm cuối năm thời tiết thay đổi đột ngột, có nhiều đợt không khí lạnh làm nhiệt độ giảm xuống thấp, độ ẩm cao hoặc thay đổi sang hanh khô.
Đây là điều kiện thuận tiện cho vi rút, vi khuẩn dễ dàng phát triển và có khả năng gây bệnh ở người.
Bệnh lây truyền qua các giọt bắn li ti từ đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc với bề mặt chứa mầm bệnh, do đó dễ dàng bùng phát thành dịch nếu không được phòng ngừa.
Với người cao tuổi, thời điểm này sẽ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp thường phức tạp và nguy hiểm hơn ở người trẻ như: viêm phế quản cấp, viêm phổi, các đợt cấp của bệnh phổi mạn (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…), lao phổi.
Nguyên nhân là do người cao tuổi có sự lão hóa và suy giảm chức năng của các cơ quan, trong đó có hệ miễn dịch và hệ thống hô hấp.
Ngoài ra, người cao tuổi có nhiều bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi mạn, thận mạn, xương khớp… làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa và lạnh ẩm.
Theo bác sĩ Hoàng, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam có 4-5 bệnh nền, ít nhiều đã sẵn có những tổn thương ở biểu mô đường hô hấp.
Do vậy khi có điều kiện thuận lợi, kèm theo mầm bệnh tiềm ẩn vào thời điểm giao mùa (cuối năm) làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, có bệnh nhân phải tái nhập viện nhiều lần, tăng nguy cơ bệnh nặng phải điều trị tích cực. Đặc biệt là tăng số ngày nằm viện và tăng tỉ lệ tử vong do biến chứng nặng nề.
Ví dụ các triệu chứng viêm phổi như sốt, ho khạc đàm mủ, khó thở, đau tức ngực.
Tuy nhiên, người cao tuổi đôi khi không có biểu hiện đầy đủ các triệu chứng, không sốt hoặc sốt nhẹ. Ở người cao tuổi hệ miễn dịch bị suy giảm nên khi bị vi rút, vi khuẩn tấn công sẽ không có phản ứng sốt.
Nhiều trường hợp người bệnh chỉ ho, cảm lạnh thông thường, sau vài ngày sốt cao, khó thở, ho nhiều, khạc có đờm mủ.
Khi vào bệnh viện, bệnh nhân được phát hiện có tổn thương phổi do vi rút cúm, phế cầu khuẩn làm bệnh nặng hơn, tăng nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Người cao tuổi làm gì để phòng bệnh?
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, người cao tuổi nên dùng nước ấm tắm rửa hằng ngày, buồng tắm kín gió, không tắm lâu, lau khô và mặc quần áo ngay.
Khi mưa rét, hạn chế đi ra đường, nên giữ ấm cơ thể tránh bị lạnh đột ngột. Nếu cần thiết phải mặc đủ ấm và đeo khẩu trang.
Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng sau ăn, trước và sau ngủ. Nếu có răng giả cần vệ sinh ba ngày/lần. Dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin từ rau xanh, hoa quả để tăng sức đề kháng, không hút thuốc lá, thể dục mỗi ngày.
Quan trọng nhất đối với người lớn tuổi có bệnh nền nên tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp. Trong đó vắc xin cúm nên tiêm mỗi năm một lần. Vắc xin phế cầu phòng hiệu quả viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa.
Ngoài ra, cần tiêm vắc xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để tăng cường miễn dịch trước mầm bệnh.
“Sau khi tiêm vắc xin, nếu có mầm bệnh xâm nhập, cơ thể kịp thời kích hoạt cơ chế bảo vệ có thể tiêu diệt mầm bệnh, giảm các biến chứng nặng, nguy cơ bội nhiễm”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.