Những ngày qua, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến nhiều người dễ rơi vào trạng thái ốm, cảm. Theo BS. Lê Văn Thiệu- Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thay đổi thời tiết khiến nhiều người chủ quan tưởng mắc bệnh cảm cúm thông thường, điều này làm tăng khả năng nhiễm bệnh
BS.Thiệu cho biết thêm, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm cao và rất nhanh trong cộng đồng.
Cúm A lây lan qua đường giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh có thể mắc bệnh khi tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng, chạm vào mắt.
“Virus cúm A đánh lạc hướng chúng ta bằng những triệu chứng của cảm lạnh thông thường, khiến người bệnh chủ quan”, BS. Thiệu cho hay.
Để tự phòng, điều trị khi mắc cúm A, BS.Thiệu khuyến cáo người bệnh không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng với bệnh do virus gây ra.
Nên xử trí theo mức độ bệnh, nếu cúm có biến chứngcần được nhập viện ngay để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.
Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ thì nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm bằng thuốc kháng virus.
Cúm chưa biến chứng: Có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị tại cơ sở y tế nếu biểu hiện nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
BS.Thiệu cũng thông tin thêm về việc điều trị hỗ trợ cần lưu ý:
Hạ sốt chỉ dùng Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt; đảm bảo cân bằng nước điện giải; đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Để phòng ngừa cúm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng cũng cho biết cần: Che miệng và mũi khi ho/hắt hơi bằng khăn giấy và vứt rác đúng chỗ; rửa tay thường xuyên; nghỉ ở nhà khi cảm thấy mệt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh; tránh chạm vào mắt, mũi, miệng.
Bác sĩ khuyến nghị chung về liều lượng sử dụng Tamiflu (mg/kg) theo độ tuổi/ cân nặng như sau:
Trẻ từ 1 tuổi trở xuống: 3mg/kg, 2 lần/ngày
Trẻ trên 1 tuổi nhưng có cân nặng dưới 15kg: 30mg, 2 lần/ngày
Từ 16 – 23kg: 45mg, 2 lần/ngày
Từ 24 – 40kg: 60mg, 2 lần/ngày
Trên 40kg: 70mg, 2 lần/ngày.
Chủ động phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, chuyển mùa thay đổi thất thường. Đây chính là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là, đồng thời cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.
Cụ thể, đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.
Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
Đồng thời, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bac-si-chi-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-cum-a-a50848.html