TP.HCM: Ứng phó thế nào nếu dịch Covid-19 tăng đột biến?

Ngành Y tế Tp.HCM chuẩn bị 3 tình huống ứng phó trường hợp số ca mắc Covid-19 tăng đột biến và 2 tình huống ứng phó về an toàn thực phẩm, dịch bệnh khác.

Chiều 29/1, tại cuộc họp giữa Sở Y tế với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM và các bệnh viện để tăng cường công tác cảnh báo, điều trị Covid-19 và các loại bệnh khác trong dịp tết sắp tới, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết ngành y tế TP tiếp tục lên kế hoạch vắc-xin cho người thuộc nhóm nguy cơ, bảo vệ nhóm nguy cơ với Covid-19 và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Theo Bác sĩ Châu, ngành y tế Tp.HCM vẫn đang theo dõi sát sao sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới trên thế giới giới, cũng như các biến thể đã xâm nhập vào Tp.HCM.

Trường hợp số ca Covid-19 tăng đột biến, tùy vào tình hình thực tế, ngành y tế TP sẽ có phương án phù hợp, trong đó chuẩn bị 3 tình huống để ứng phó.

Tình huống 1, số ca mắc Covid-19 nặng dưới 50 ca: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (25 giường), Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (10 giường), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 (mỗi nơi 5 giường bệnh) chịu trách nhiệm điều trị các trường hợp nặng nhập viện.

Các trường hợp người lớn mắc Covid-19 mức độ nặng, ca bệnh khó, ưu tiên nhập viện điều trị tại Khoa điều trị Covid-19 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Tình huống 2, số ca mắc Covid-19 nặng từ 50 - 100 ca: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới mở rộng quy mô Khoa điều trị Covid-19 để sẵn sàng tiếp nhận tối đa 50 ca, ưu tiên tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, cần hội chẩn.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến chủ yếu tiếp nhận, thu dung điều trị 5 ca/bệnh viện.

Tình huống 3, số ca mắc Covid-19 nặng trên 100 ca: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chuyển đổi công năng một phần, trong đó tối đa có thể tiếp nhận 100 ca mắc Covid-19 mức độ nặng.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến chủ yếu tiếp nhận, thu dung điều trị 10 ca/bệnh viện.

Căn cứ tình hình thực tế, Sở Y tế tham mưu UBND Tp.HCM thành lập bệnh viện dã chiến, đồng thời huy động nguồn lực từ các bệnh viện tham gia công tác thu dung, điều trị.

Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận, điều trị các bệnh nhi mắc Covid-19 mức độ nặng, chuyển đến các bệnh viện, huy động số giường hồi sức tối đa có thể đạt được tại các khoa Covid-19 để đáp ứng tình hình thực tế.

Cũng tại cuộc họp, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết ngoài 3 tình huống ứng phó với Covid-19, ngành y tế cũng chuẩn bị 2 tình hướng về an toàn thực phẩm, dịch bệnh khác.

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng cũng chỉ đạo các bệnh viện phân công trực gác, cấp cứu và khám chữa bệnh dịp tết cho người dân. Các bệnh viện sẵn sàng tình huống cấp cứu nếu có vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung tâm cấp cứu 115 ngoài trực 24/24, cần chuẩn bị các ê-kíp để có thể điều động gấp, thậm chí huy động các trạm cấp cứu vệ tinh trong những tình huống khẩn cấp, cần can thiệp kịp thời.

Về tình hình số ca mắc Covid-19 từ đầu năm 2024 đến nay, Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết, Tp.HCM có 149 ca mắc Covid-19. Có 58 ca bệnh phải nhập viện để điều trị, trong đó có 7 ca nặng và chưa ghi nhận ca tử vong. Số bệnh nhân nhập viện và số ca nặng chủ yếu ở nhóm tuổi từ 50 trở lên, có bệnh nền.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố mới đây, Bác sĩ Lê Hồng Nga cũng cho biết, WHO đang theo dõi 5 biến thể cần quan tâm gồm XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1. Với kết quả giám sát mới trong tháng 12/2023, ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm khác đều đã phát hiện tại Tp.HCM.

Đánh giá về nguy cơ lây lan dịch bệnh, bà Nga cho biết trong bối cảnh Tết Nguyên Đán cận kề, việc giao lưu, đi lại sẽ đẩy mạnh, nguy cơ gia tăng số ca mắc và nhập viện do Covid-19 là hiện hữu. Không chỉ Covid-19, những bệnh lây qua đường hô hấp cũng có khả năng tăng cao. Vì vậy, đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai… thì việc tăng cường các biện pháp tự bảo vệ như tiêm vắc-xin phòng Covid-19, quản lý tốt bệnh nền là điều hết sức quan trọng và cần thiết.

HCDC khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là, nên đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Đặc biệt, người dân cũng tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Người có triệu chứng mắc bệnh cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ, đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị, bà Nga khuyến cáo.

Đăng Doanh

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tphcm-ung-pho-the-nao-neu-dich-covid-19-tang-dot-bien-a52217.html