Những ngày qua, Nhiều người cùng sốt, sổ mũi, ho dai dẳng, vì sao?
Làm sao để bảo vệ sức khỏe trong thời điểm Tết phải di chuyển nhiều nhưng khí hậu các vùng miền khác biệt là câu hỏi nhiều người quan tâm, đặc biệt gia đình có con nhỏ, người lớn tuổi...
Vừa khỏi đợt cảm cúm cũng là thời điểm sinh viên T.L. (21 tuổi) lên xe về quê nhà tại tỉnh Gia Lai nghỉ Tết. Trên xe có điều hòa nhiệt độ nên L. không cảm nhận nhiệt độ ở quê giảm, cho đến khi bước xuống xe lúc 4h sáng.
"Thời tiết quá khác biệt. TP.HCM nắng nóng oi bức, về Gia Lai lại rất lạnh kèm gió, khi ngủ phải đắp hai cái chăn dày mới ấm nổi. Vừa hết cảm cúm thì cơ thể như muốn bệnh trở lại", sinh viên L. chia sẻ.
Chia sẻ Tuổi Trẻ Online, PGS Trần Văn Ngọc - chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM, phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam - cho hay với sự khác biệt lớn về thời tiết giữa các vùng miền như hiện nay, chúng ta dễ mắc bệnh hơn khi đang ở vùng nắng nóng sang vùng ẩm lạnh hoặc ngược lại, đặc biệt với những người có bệnh nền, người cao tuổi, trẻ nhỏ…
Cụ thể, ở những địa phương có khí hậu ẩm lạnh là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút phát triển. Căn bản với thời tiết này, cơ thể chúng ta cũng dễ mắc bệnh, và nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi từ địa phương có thời tiết nắng nóng chuyển đến.
Do đó, cần giữ ấm cơ thể, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ vào những ngày cận và trong Tết, đặc biệt lưu ý với những người lớn tuổi, mắc bệnh nền, sức đề kháng yếu. Đồng thời chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm các loại vắc xin cúm, viêm phổi, phế cầu…
Ngược lại, khi di chuyển từ vùng lạnh sang nắng nóng, có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt, làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, bùng phát một số bệnh liên quan đến nóng như cảm nóng. Người sống ở khí hậu này cần chú ý uống đủ nước, hạn chế di chuyển ngoài trường lúc trưa nắng gắt.
Trước tình trạng nhiều người trong một gia đình, rộng hơn là trong lớp học, công ty, cơ quan cùng mắc các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, PGS Ngọc cho biết bệnh cảm cúm đang vào mùa, và đang lây lan trong cộng đồng.
Bệnh có thể tự khỏi sau 7-14 ngày mắc bệnh. Với những người trên 65 tuổi, trẻ em, người mắc bệnh nền (hen, suy thận, đái tháo đường...), bệnh dễ chuyển nặng hơn với thời gian mắc bệnh kéo dài hơn và có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, khó thở…
Khi có các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi nhẹ, người dân chỉ cần điều trị triệu chứng cũng có thể tự khỏi như uống thuốc hạ sốt, ăn uống đầy đủ...
Người bệnh tuyệt đối không tự ý uống thuốc kháng sinh, corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Khi ho quá nhiều, sốt cao trên 39 độ C, mệt mỏi, suy nhược thì nên đến bệnh viện khám bệnh, không nên kéo dài thời gian điều trị tại nhà.
Với những triệu chứng điển hình của nhiễm siêu vi đường hô hấp, PGS Ngọc hướng dẫn người bệnh có thể điều trị tại nhà, dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm nhức đầu, uống nhiều nước, bổ sung vitamin, ăn uống đủ chất, vận động nhẹ nhàng...
“Thời tiết này chúng ta dễ bệnh hơn, với sự khác biệt lớn về thời tiết giữa các vùng miền hiện nay càng làm thời gian bệnh kéo dài, nếu không biết cách bảo vệ sức khỏe”, PGS Ngọc nhấn mạnh.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tet-di-chuyen-nhieu-noi-nong-noi-lanh-bao-ve-suc-khoe-sao-a52262.html