Lát thời gian Kinh Bắc ngang qua áng văn Trần Thanh Cảnh

Tắm gội trong dòng văn hóa xứ sở, Trần Thanh Cảnh chỉ nhận mình là “Người kể chuyện Kinh Bắc”.

Chỉ một khúc sông Như Nguyệt chảy qua, mà bể dâu đã bồi đắp bao lớp phù sa cho miền quê Kinh Bắc. Tắm gội trong dòng văn hóa xứ sở, Trần Thanh Cảnh chỉ nhận mình là “Người kể chuyện Kinh Bắc”. Không chọn cho mình con đường văn nghệ, Trần Thanh Cảnh lập thân bằng con đường thuốc và kinh doanh- Dược sĩ giữa thương trường khốc liệt. Nhưng vốn liếng cuộc đời anh, đi giữa bằng phẳng và bất trắc. Số phận đã toan bức tử anh bao lần. Thành công đến với anh không bao giờ dễ dàng, và những lần đối diện với miệng vực.

Anh loay hoay và không ít thất vọng để tự vượt thoát. Trong những cơn vật vã một mình giữa cô độc của một kẻ dám dấn thân tuyệt đối trong nghề nghiệp nhưng cũng không thể né tránh nghiệt ngã của số phận. Những cơn bão trong bao đêm dài, anh đã bị quăng quật không thương tiếc, bước ra từ đó, anh không còn là một Trần Thanh Cảnh ban đầu. Cầm bút vẽ ra một Kinh Bắc anh đã sống, hay những trải nghiệm đầy thân phận. Nó như một tất yếu, một thôi thúc và độc giả được đọc anh trong vai trò một nhà văn.

Chưa được đọc nhiều về nhà văn Trần Thanh Cảnh, nhưng tôi bị hấp dẫn bởi truyện ngắn của anh. Về lý thuyết, một truyện ngắn thành công là khi nhà văn sáng tạo được tình huống truyện độc đáo. tình huống là “cái tình thế xảy ra truyện”, là “lát cắt” của đời sống, là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại” (Nguyễn Minh Châu).

Tình huống là cái đinh “treo” dung lượng, nhân vật, cốt truyện và thông điệp cũng như tư tưởng của Trần Thanh Cảnh. “Kỳ nhân làng Ngọc”, là tập truyện ngắn được trao giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2015. Ở đó, tôi thực sự bị ám ảnh bởi những tác phẩm: “Kỳ nhân làng Ngọc”, “Hoa gạo tháng Ba”, “Bến sông xuân”.

Văn hoá - Lát thời gian Kinh Bắc ngang qua áng văn Trần Thanh Cảnh

Nhà văn Trần Thanh Cảnh

Đọc Trần Thanh Cảnh, tôi hiểu, miền Kinh Bắc đã trở thành một nét khắc, sâu vào bức tranh phong cảnh tâm hồn anh, làm nên một trục thời gian nối quá khứ đến hiện tại và tương lai. Các tác phẩm được bắt đầu bằng điểm nhìn nghệ thuật từ bầu khí quyển Kinh Bắc, mà vóc hồn xứ sở được khởi nguyên từ một tình yêu đến máu thịt của anh về quê hương- nơi cha chôn xuống vườn núm rốn, nơi câu quan họ ru hời mẹ cất lên từ vành nôi cậu bé Cảnh.

Bởi thế, dù cất lên giọng tự sự theo bất kỳ điệu nào, thì độc giả vẫn chạm tới sự nhân văn, chất trí tuệ và ngùn ngụt cảm xúc của một cây bút đầy ẩn ức cùng khát vọng viết những áng văn tự nhiên và thành thật nhất về con người, cuộc đời. Từ ngôi làng Ngọc, bước vào trang văn anh những nhân vật sinh động, ấm nóng da thịt, tư tưởng và thân phận. Những cảnh trí làng quê Việt Nam truyền thống: hội hè, bến sông, cầu ao, giếng nước, sân đình, hoa gạo bời bời.

Trần Thanh Cảnh còn xắn từng miếng ký ức của mình, đặt vào các thiên truyện để vẽ nên núi rừng, thung sâu, sông suối tráng lệ, dữ dội mà hiu hắt, khúc quanh đời sống trong những rắp ranh tối sáng của hồn người. Anh lồng vào những bối cảnh lịch sử đặc trưng, để từ đó mà trắc ẩn, xa xót. Dù viết điều gì, thì cuối cùng anh cũng chỉ để nói cho được những trăn trở cõi người mà thôi.

Đọc Trần Thanh Cảnh, thấy được sự đa thanh, đa diện của một ngòi bút sắc, muốn lách sâu tận cùng hồn người để soi rọi và thức nhận. “Kỳ nhân làng Ngọc” bắt đầu bằng một tình huống hành động “có vấn đề”, tạo xung đột trên bối cảnh làng Ngọc, một mảnh quê vẫn bị thói hủ nho chi phối, tâm lý tiểu nông bao trùm đến ngột ngạt lên tất cả.

“Cái tin thằng Bình hiếp dâm con bé Liên Hương, con ông Lý Lưu, lan truyền ầm ĩ khắp cả làng Ngọc”. Sự kiện động trời ấy, thúc đẩy cốt truyện phát triển, đi đến xung đột. Anh xây dựng thành công nhân vật Bình, một nhân vật hành động.Khiến tác phẩm giàu kịch tính. Trong y phục truyện ngắn, nhưng có thể phát triển thành một kịch bản phim, thậm chí một tiểu thuyết.

Để gột rửa vết nhơ, Bình đã đi vào chiến tranh. Cái hang đá kỳ lạ đã là một cơ may, đẩy Bình vào cái danh anh hùng ko ngai (vì lý lịch đen). “Trời cho hai tên lính chiến một cái công sự thiên nhiên chiến đấu vô cùng hiệu quả, trên được che chắn bởi một tảng đá to liền khối, trùm như cái mái hiên, dưới có những tảng đá mọc lên cản hết tầm nhìn và tầm bắn của đối phương”. Đoạn văn đã bắt đầu cho những trò đùa tai quái của số phận dành cho Bình. Bị sự trớ trêu của hoàn cảnh giật tước hiệu, Bình sa chân vào những khúc quanh: gá nghĩa với những người đàn bà mà thân phận bị chiến tranh và thói hủ nho nhào nặn. Anh hùng rốt cuộc cũng nợ áo cơm. Giãy đạp để sinh kế.

Trời bù cho Bình gặp lại Ngơ (đã đổi tên)- nạn nhân bị cưỡng hiếp năm nào, mà thực chất là đồng tình với cảm xúc không thể kiểm soát của Bình. Bình luôn phải dốc vào mình những cơn say để quên đi khoảnh khắc nồi da nấu thịt ở chiến trường. Còn Ngơ, đã trở thành một người đàn bà ngẩn ngơ. Cái quên Ngơ, cơn say Bình, cần cho tất cả chúng ta giữa sấp ngửa cuộc người, xóa sạch ký ức để bận bịu với hiện tại cũng là một hạnh phúc giản dị.

Truyện kết nối khung cảnh hoành tráng: chiến tranh, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nông thôn thời bình. Anh đã tái hiện bức tranh đa chiều về làng quê Bắc bộ Việt Nam thu nhỏ: làng quê yên bình, nếp điền dã, thói hủ nho, tâm lý tiểu nông ích kỉ, tư hữu; chiến trường, những cơn sợ hãi đào ngũ, trốn khỏi bom đạn để giữ sinh mệnh, đạp bỏ lý tưởng. Bình là kiểu anh hùng “thời thế tạo dựng”. Rồi trở về đời thường, may Bình còn khí chất, sức vóc nên vẫn không bị đời chôn cất.

Giọng văn biến ảo khôn lường. Khi thì tự sự, đầy chất hiện thực, lúc trào phúng thâm sâu, khi xót xa thương cảm, lúc dửng dưng, khách quan. Tác giả nhập nhuyễn vào các thân phận, mổ phanh mình, có tự truyện, có quan sát, chiêm nghiệm. Bình và Ngơ đi mãi vào dòng trôi hà bá. “Nước sông đãi hết/ Anh hùng còn chi” (Thơ Bảo Sinh).

Văn hoá - Lát thời gian Kinh Bắc ngang qua áng văn Trần Thanh Cảnh (Hình 2).

Trần Thanh Cảnh đã tái hiện kí ức tập thể, nỗi nhớ làng quê, trò chơi con trẻ, đêm hẹn thề.

Kết thúc truyện có một độ lùi thời gian, ám ảnh về thân phận người.“Dọc theo triền sông mãi về mạn Lục Đầu, dân làng đi tìm cũng chả thấy nói có xác chết nào trôi dạt vào. Dân làng Ngọc bảo, có lẽ kỳ nhân Bình và cô Ngơ nặng căn quả nên bị Hà Bá Diêm Vương dưới Lục Đầu bắt về làm quân hầu rồi”. Phủ thêm một lớp sương huyền hồ về những tích kỳ dị, ảo mờ, một ngôi làng của những huyền thoại.Gập trang truyện, dư ba mở ra.

“Hoa gạo tháng Ba”, chỉ trong dung lượng truyện ngắn, tác giả đã dồn nén một thế giới nhân sinh quan, dựng lên từ một thời kì chiến tranh. Bàn tay quái ác của nó đã chia cắt gia đình, tàn hoại bình yên, nảy sinh tất yếu những tư tưởng tìm đường. Tác giả đã xây dựng hai luồng tư tưởng trong một gia đình- Tú Tràng, theo cách mạng, Giang theo đòi Tây học, qua quan niệm của xã hội phong kiến về người đàn ông. Đó là người mang trách nhiệm gia đình, xã hội, chí lớn bốn phương. Họ cùng đem lòng yêu My. Cầm cố tuổi xuân của cô gái non tơ trong lời hứa đợi về một ngày trở về xa lắc. Nhưng cái My cần là tình yêu rất thật, đầy bản năng.“Giang kéo nàng chạy tuột về phía gốc cây cổ thụ. Giang xiết chặt lấy My, đẩy nàng lọt vào cái khe thân cây xù xì, hôn tới tấp lên khuôn mặt nóng bừng của My “đợi anh My nhé…đừng cho ai cưới nhé”… My bỗng hức lên như tiếng một đứa trẻ bị đòn oan… Vùng chạy như biến mất về phía làng, bỏ mặc Giang ngơ ngác ngửa mặt lên trời, nhìn cây gạo đã bắt đầu mọc ra những búp xanh nhờ trong ánh nhập nhoạng”.

Song le, huỷ diệt lại là bản chất của cuộc chiến. Huỷ diệt tuổi trẻ, ước mơ, tình yêu và sinh mệnh.

“Hoa gạo tháng Ba” là biểu tượng nghệ thuật xuyên suốt thiên truyện. Là linh hồn làng quê, văn hoá, phong tục, đợi chờ, kiêu hãnh, cả những “cơn đói” về một con đường sáng cho làng Ngọc, giữa đêm đen chiến cuộc. Tác phẩm là lời tố cáo chiến tranh: dã tâm và tàn độc, dập tắt mọi niềm vui, khát vọng, hạnh phúc, sự sống.

Cái cây thời gian nở đỏ “Hoa gạo tháng Ba”- những đóa hoa sinh mệnh đàn bà làng Ngọc từ thuở trăng rằm thiếu nữ, những đêm nồng nẫu đàn bà, đến khi cơ thể và nhu cầu giới đã héo hon như lớp vỏ cây mốc thếch. Mỗi đóa gạo rơi, bầm như máu ứa. “Cây gạo sừng sững trên bến nước. Phần gốc của cây gạo cổ thụ rất to, mấy người ôm mới xuể. Xung quanh thân gốc, lồi ra nhiều mấu to tướng xù xì…

Mỗi độ tháng ba, cây gạo vẫn nở bùng một cây hoa đỏ rực. Người làng đi từ xa, nhìn thấy, nôn nao, chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà”. Trần Thanh Cảnh đã tái hiện kí ức tập thể, nỗi nhớ làng quê, trò chơi con trẻ, đêm hẹn thề. Lịch sử tâm trạng nông thôn Bắc bộ Việt Nam có lẽ cũng bắt rễ một phần từ cây gạo, đơm tỏa những nhánh hồn đồng ruộng.

“Hoa gạo tháng Ba”, phần kết, từng chữ, từng chữ như máu ứa. Qua phép tu từ nhân hóa, những đóa hoa nhỏ máu như sinh mệnh. Đóa hoa hun hút như con mắt người gái trẻ- bà cô già tên My. Nó khiến “người đối diện mất cảm giác, không còn biết là đôi mắt ấy già hay trẻ, vui hay buồn. Mênh mang. Vô định”. Mới hay, con người quá nhỏ bé trong trò chơi con tạo. Trần Thanh Cảnh viết nên những câu văn đi trong âm vang của nỗi u hoài tựa hồ bị ánh sáng bỏ quên. Buồn thổn thức. “Hoa gạo tháng Ba” chất chứa bao niềm u uẩn.

Mạch truyện về làng Ngọc được nối dài bằng chuyến tìm ngọc của một công dân xưng “tôi”, vốn là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, tấp tểnh mộng đầy- tác phẩm “Bến sông xuân”. Khát vọng cống hiến va chạm với thực tế đã tạo nên những cơn bấn loạn tìm đường trong “tôi”.

Trần Thanh Cảnh nhập vào “tôi” vừa quen vừa lạ. Màu sắc tự truyện và hư cấu đã tạo nên lớp lang của tác phẩm, dẫn độc giả đi từ ngạc nhiên này đến tò mò khác. Đến đây, Trần Thanh Cảnh dẫn người đọc ra khỏi vùng đồng bằng thôn ổ, để chạm vào dáng núi kiêu vĩ, thung sâu bí hiểm, sông suối mát lành.

Từng có 5 năm đời quân ngũ, bao buổi chiều tựa lưng vào vách đá nhìn dòng sông tráng lệ, hiu hắt cuốn phăng những hoàng hôn vào bọt sóng ào ạt, anh băn khoăn về nỗi phải chôn đời trai ở chốn rừng xanh, núi đỏ này bao lâu nữa? Và những tháng ngày tuổi trẻ ấy đã không hề vô nghĩa, cho đến khi những trang văn của anh được bạn đọc đón nhận.

Tác phẩm là những lát cắt về tuổi trẻ, dăm vài ký ức lộn xộn thời sinh viên, chuyến ngược rừng, khao khát tìm ngọc, sự trở về. Đi để tìm thấy chính mình. Trần Thanh Cảnh nhận ra anh chính là ngôi nhà của của mình, để bồi hồi trong niềm hạnh phúc vô biên trở về. “Khi chúng tôi vừa chui vừa bò qua một dải rừng trúc, bỗng nhiên trước mắt thấy một khoảng cỏ tranh bạt ngàn, gió bắc lạnh buốt thổi ào ạt thành sóng, chấp chới rập rờn như biển. Đỉnh Mã Tử đã ngay trước mắt”.

Đường đi khó, đường đời còn khó hơn, cơn tìm thứ trầm thiêng thôi thúc khiến tuổi trẻ ngông cuồng ưa khám phá cứ tiến bước mà không hề biết đón đợi mình ở phía trước là điều gì. Và phần thưởng cho hai chàng trai trẻ là “một vùng lổm ngổm toàn đá muối xám xịt. Một thứ đá vô vị, hoàn toàn không có hy vọng gì mang ngọc trong đó. Không có một thứ gì khác. Trơ trọi. Một viên sỏi cuội lấp lánh cũng không. Cũng không có một cái hang truyền thuyết nào.Hoang vu. Cô lạnh. Vô dụng”. Đoạn văn trong cấu trúc thu hẹp dần không gian ở mức độ tăng tiến, đẩy sự lôi cuốn của thiên truyện đến cao độ trong sự chờ đợi của độc giả về thành quả chuyến đi của nhân vật.

Tuổi trẻ đầy vĩ cuồng, những chuyến đi thật xa khỏi ngôi nhà tuổi thơ và vòng tay mẹ hiền. Tưởng không tìm thấy gì mà tìm đầy túi khôn đấy thôi. Vỡ òa là cảm xúc của đôi bạn khi nhìn thấy ánh lửa. Lửa sự sống. Được có sinh mệnh là một điều quý giá và hạnh phúc vô ngần. Rồi qua bao lênh đênh nữa, chàng tuổi trẻ đã về trong lòng mẹ. Mẹ là nguồn sống, nguồn sáng vô tận của của con. 

“Tôi nhìn nét mặt rạng rỡ vui tươi của mẹ mình… Bên bến sông làng tôi đã lại thấy thuyền về neo đậu. Những con chim én chim nhạn chao liệng lên xuống tung tăng mặt nước. Cả bến sông quê tôi dường như sáng bừng trong một ngày xuân tràn nắng”.

Một kết thúc sống động bằng thứ ngôn ngữ như chắt ra từ ánh sáng. Tôi rất thích khoảng trời tuổi trẻ trong veo của tác giả, mà ở đó tôi chạm tới những câu văn chan chứa ban mai và lãng mạn của bầu máu nóng khao khát được sống, được yêu.

Làng Ngọc thực đấy mà đầy ảo mơ. Để mỗi người Kinh Bắc nói riêng và độc giả nói chung, đọc Trần Thanh Cảnh như tìm thấy chút hồn mình ở đó. Giữa những cơn vi vút gió xuân tháng Ba, hoa gạo đã mai một dần trong “đám cháy” đô thị hóa ở mảng trời hiện tại, nhưng sẽ mãi cháy trong trang văn Trần Thanh Cảnh. Những người Kinh Bắc đi, về trên áng văn anh, những “Kỳ nhân làng Ngọc” mà miền “Hoa gạo tháng Ba” đỏ bời bời trong ánh sáng diệu kỳ của “Bến sông xuân”. Họ đến từ quá khứ, ở lại trong từng nếp vương thời gian. Những ngày cuối năm bận rộn, đã lắng lại qua trang văn Trần Thanh Cảnh. Để thấy dòng thời gian năm tháng cũng chính là dòng trôi sông Đuống, lấp láy, giữa đôi bờ Kinh Bắc cổ kính mà đa đoan.

Nguyên Tô

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/lat-thoi-gian-kinh-bac-ngang-qua-ang-van-tran-thanh-canh-a52276.html