Miếu Phù Châu (miếu Nổi) nằm trên phần đất hơn 2.000 mét vuông, ở giữa sông Vàm Thuật và một nhánh của sông Sài Gòn. Ngôi miếu này đã tồn tại gần 300 năm.
Cổng chính ngôi miếu hiện ra đồ sộ, uy nghi với hình tượng nhiều con rồng uốn lượn quanh cột.
Để đến được ngôi miếu nổi này, du khách đi đến đường Trần Bá Giao (phường 5, quận Gò Vấp) rẽ phải vào hẻm 26, bến đò nằm ở cuối hẻm, giá mỗi lượt đi về là 15.000 đồng, hoạt động từ 8 - 18 giờ hằng ngày. Từ bến đò, du khách chỉ mất khoảng 3 phút để cập bến ngôi miếu cổ.
Dù nằm giữa sông, tách biệt khu dân cư và phải đi đò mới đến được nhưng miếu Nổi vẫn đông người đến chiêm bái. Đặc biệt, vào các dịp lễ tết, ngôi miếu tiếp đón hàng trăm người ghé thăm mỗi ngày.
Ban quản lý miếu cho biết, theo lịch sử quận Gò Vấp, miếu có từ trước năm 1800. Năm 1945, miếu được lợp ngói âm dương và cột cây với diện tích nhỏ. Ngày 22/12/1991, miếu được UBND quận Gò Vấp cấp phép trùng tu. Sau đó, Miếu Nổi được UBND thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố năm 2014. Đây được xem là một trong những công trình tín ngưỡng có kiến trúc độc đáo ở Việt Nam khi tọa lạc trên phần cù lao nằm giữa sông.
Chị Thùy Linh (27 tuổi, ngụ quận 12) cho biết, nhiều năm qua, cứ mỗi dịp cuối năm, chị lại đến miếu thắp nhang, cầu bình an cho gia đình và làm ăn thuận lợi trong năm mới.
Rất nhiều khách đến tham quan, viếng miếu.
Không chỉ có địa thế độc đáo mà hình ảnh hơn 100 con rồng lớn nhỏ được đặt khắp nơi cũng là điểm đặc biệt của miếu Nổi. Ngay lối vào miếu và chánh điện là những con rồng to lớn đang chầu. Khi bước vào bên trong, du khách sẽ thấy nhiều phù điêu hình rồng khác nhau, được ốp bằng các loại mảnh sứ nhiều màu sắc bắt mắt.
Rồng ở miếu được tạo hình bằng xi măng và được "tô màu" bằng cách đắp các mảnh sành, sứ tinh xảo, bắt mắt.
Ngoài thăm quan miếu Nổi, người dân còn đến đây xin chữ vào đầu năm mới với mong ước bình an, hạnh phúc.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dau-nam-chiem-nguong-linh-vat-rong-tai-ngoi-mieu-gan-300-tuoi-a53031.html