Hà Nội và các tỉnh miền Bắc những ngày này tiết trời giao mùa Đông – Xuân, nóng lạnh bất thường. Thời tiết thay đổi dễ gây ra các bệnh liên quan đến hô hấp, đặc biệt cúm B.
Theo đó, thấy con gái 4 tuổi bị sốt 38,5 độ, 39 độ, ho, sổ mũi chị Phạm Thúy (Hà Nội) chỉ nghĩ con bị ốm thông thường. Chị ra hiệu thuốc mua thuốc cảm cúm cho con. Tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc, con gái chị không có dấu hiệu hạ sốt, mệt hơn, mê sảng, tá hỏa chị cho đi khám và được xác định mắc cúm B. Con gái chị được kê thuốc uống và giờ tình trạng đã hồi phục.
Một trường hợp khác, gia đình anh Cường 3 người (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã lây cúm B từ trong Tết Nguyên đán và hiện giờ anh Cường là người cuối cùng trong gia đình bị bệnh.
Anh Cường cho biết con trai anh 3 tuổi, trước Tết Nguyên Đán con có biểu hiện sốt cao, người mệt mỏi, ho, sổ mũi… Sau hai ngày cho uống hạ sốt và thuốc không đỡ, gia đình cho đi thăm khám và được kết luận cúm B.
“Con tôi bị cúm B đúng 29 Tết nên cả gia đình coi như là chấp nhận sống chung với cúm, ở nhà lo thuốc thang. Sau 4 ngày Tết con ổn hơn thì đến vợ tôi lây từ con, cũng triệu chứng tương tự và giờ thì đến tôi”, anh Cường nói và cho biết cả vợ và anh khi đi khám, xét nghiệm đều mắc cúm B.
Theo lời của anh Cường, khi biết bị cúm B gia đình anh cũng tuân theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, tập vận động nhẹ nhàng.
“Vợ tôi giờ khỏe hơn nên là chủ động giặt giũ chăn màn để tống virus cúm, đồng thời dọn dẹp nhà cửa cho thoáng đáng”, anh Cường cho hay.
Cả gia đình Tết chỉ quanh quẩn ở nhà vì bị cúm B “vật”, nên ông bố trẻ chia sẻ rằng gia đình đã thấy sợ cúm và nhắc nhau không thể chủ quan với cúm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS.Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, bệnh cúm B tiến triển đa số là lành tính. Tuy nhiên, ở người có bệnh lý nền, mạn tính về tim mạch, hô hấp, suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và trẻ em có thể biến chứng nặng. Đặc biệt, có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng…
Theo BS. Trương Hữu Khanh, với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nên nhiều người hay chủ quan dễ dẫn đến biến chứng.
Về việc chăm sóc, điều trị người mắc cúm B, BS. Khanh cho biết cũng như cúm người nhà cần theo dõi cách thở của người bệnh, khi nào thở mệt cần đi đến các cơ sở y tế ngay. Hoặc những người có bệnh nền, trẻ nhỏ cũng cần đến các cơ sở y tế thăm khám.
Khi bị ốm, cúm không ít người thường lựa chọn thực phẩm chức năng để tăng sức đề kháng, tuy nhiên, BS.Khanh cho rằng không nên lạm dụng thực phẩm chức năng trong việc điều trị cúm. “Điều quan trọng là cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc”, BS.Khanh nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, nếu cúm B có biến chứng sẽ được chỉ định nhập viện để điều trị.
Để phòng, chống bệnh cúm mùa, BS.Khanh khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm phòng vắc-xin. Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối, đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
“Nếu người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm, như vậy dễ gây biến chứng nguy hiểm tính mạng”, BS.Khanh lưu ý thêm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Do đó, nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B).
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo Bộ Y tế hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cúm mùa có 4 type A, B, C, D. Cúm B là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch Covid-19 các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, do cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.
Chuyên gia cho hay, cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm B bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy).
Mặc dù, một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/kho-so-vi-mac-cum-b-chuyen-gia-chi-cach-phong-chong-a53392.html